• :
  • :

Thái Bình tiên phong số hóa công tác Đảng

Với quyết tâm số hóa nghiệp vụ công tác Đảng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, tỉnh Thái Bình là địa phương tiên phong trong toàn quốc triển khai ứng dụng phần mềm sổ tay đảng viên (STĐV) điện tử. Phần mềm đã khẳng định tính ưu việt, khắc phục đáng kể những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng trên quê hương 5 tấn.

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng đồng chí Phạm Đức Mến, Bí thư Chi bộ thôn Bương Hạ Đông, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) rất tích cực nghiên cứu sử dụng phần mềm STĐV điện tử; đồng thời phân công các đảng viên trẻ hướng dẫn, hỗ trợ đảng viên lớn tuổi sử dụng phần mềm. Từ khi ứng dụng STĐV điện tử trong sinh hoạt chi bộ, đồng chí bí thư chi bộ thôn không còn phải mất nhiều thời gian đi mời các đảng viên dự sinh hoạt chi bộ. Thay vào đó, lịch sinh hoạt chi bộ được cập nhật trên phần mềm và các đảng viên điểm danh trực tiếp. 

Thêm nữa, toàn bộ nội dung sinh hoạt, dự thảo nghị quyết đều được bí thư chi bộ chuẩn bị và cập nhật lên phần mềm trước buổi sinh hoạt từ 1 đến 2 ngày. Các đảng viên dễ dàng nghiên cứu trước nội dung và gửi ý kiến đóng góp lên phần mềm. Trong buổi sinh hoạt, chi bộ tiếp tục đánh giá, thảo luận kỹ các nhiệm vụ, nhất là giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Kết thúc sinh hoạt, đảng viên sẽ chấm điểm công tác chuẩn bị nội dung, công tác điều hành của bí thư chi bộ. Nhờ có phần mềm STĐV điện tử hỗ trợ trong sinh hoạt chi bộ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bí thư, cấp ủy chi bộ và đảng viên.

Đảng bộ tỉnh Thái Bình có hơn 110.000 đảng viên, trong đó số đảng viên cao tuổi tương đối đông, trong khi phần lớn quần chúng và đảng viên trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa. Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn chỉ rõ một số mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng: Chất lượng sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn thấp; việc ban hành, phổ biến, quán triệt, học tập nghị quyết còn nhiều yếu kém. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học tập nghị quyết, học theo kiểu đối phó, hình thức nên “câu được, câu mất”, nội dung thì “rơi vãi”. 

Để khắc phục những mặt hạn chế nêu trên và nhằm đẩy mạnh số hóa nghiệp vụ công tác Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đưa ra chủ trương xây dựng phần mềm STĐV điện tử. Đến nay, sau hơn hai năm vận hành trong thực tiễn, các nội dung, tiện ích từ phần mềm mang lại rất nhiều hữu ích trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh Thái Bình. 

Đảng viên Chi bộ thôn Nam Đồng Bắc, xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình) sử dụng phần mềm sổ tay đảng viên điện tử. Ảnh: THU QUYÊN 

Chia sẻ về quá trình triển khai phần mềm, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Tổ chức đảng và đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình bộc bạch: Thái Bình là tỉnh tiên phong cả nước khi ban hành chủ trương từ sớm và đưa vào triển khai, ứng dụng phần mềm STĐV điện tử từ tháng 5-2021. Phần mềm được xây dựng trên môi trường web dành cho quản trị (cấp ủy các cấp) và phát triển ứng dụng trên thiết bị điện thoại thông minh để các đảng viên có thể tự cài đặt và sử dụng. Để triển khai thành công phần mềm, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp từ Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp thì công tác tập huấn được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Để bảo đảm phần mềm được vận hành “tròn khâu” ở tất cả các cấp, từng tổ, nhóm cán bộ tập huấn của tỉnh trực tiếp xuống tận các chi bộ và “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cho từng đảng viên... 

Theo anh Trường, trong quá trình triển khai phần mềm STĐV điện tử ở các chi bộ nông thôn gặp những khó khăn nhất định do đa phần là đảng viên cao tuổi và không sử dụng điện thoại thông minh. Để khắc phục những vấn đề này, các chi bộ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đảng viên sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng phần mềm STĐV điện tử trong sinh hoạt chi bộ, học tập nghị quyết. Các đảng viên trẻ trong chi bộ được giao nhiệm vụ hướng dẫn đảng viên cao tuổi sử dụng phần mềm. Đặc biệt, để hỗ trợ đảng viên cao tuổi, đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin đã phát triển phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ đọc văn bản bằng giọng nói AI nên các đảng viên cao tuổi rất hứng thú và thường xuyên sử dụng phần mềm.

Đánh giá về những tiện ích mang lại từ phần mềm STĐV điện tử, đồng chí Trịnh Ngọc Thắng, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định: Phần mềm mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, trước hết là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác quản lý đảng viên và chất lượng đội ngũ đảng viên. Phần mềm STĐV điện tử hỗ trợ đảng viên nghiên cứu, học tập lý luận và cung cấp có hệ thống các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của các cấp ủy. Đối với các tài liệu bắt buộc đảng viên nghiên cứu, học tập, phần mềm sẽ đưa ra câu hỏi trắc nghiệm và chấm điểm, đồng thời tích lũy điểm để phục vụ công tác đánh giá chất lượng đảng viên... Thông qua phần mềm, đảng viên được miễn, hoãn, đảng viên đi làm ăn xa vẫn nắm được công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ và tham gia đóng góp ý kiến. 

Để số hóa hoạt động công tác Đảng trong toàn Đảng bộ, tỉnh Thái Bình đã nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm phủ sóng internet không dây (wifi) đến tất cả các thôn, tổ dân phố. Đến nay, có hơn 90% đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh sử dụng phần mềm STĐV điện tử.

TIẾN MẠNH - THỦY DUNG

Tags: Thái Bình
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...