• :
  • :

Nhật Bản thử nghiệm robot giao hàng

Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới, với gần 30% công dân ở độ tuổi trên 65. Nhiều người sống ở các vùng nông thôn dân cư thưa thớt khó có thể mua sắm được các nhu yếu phẩm hằng ngày.

Tình trạng thiếu nhân công ở các thành phố Nhật Bản cùng các quy định mới hạn chế làm thêm giờ đối với tài xế xe tải khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu giao hàng. AFP cho hay, một trong những giải pháp khả thi được đưa ra là sử dụng robot giao hàng.

Robot giao hàng tự lái của Panasonic chạy trong khu dân cư ở Fujisawa, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News 

Theo Dai Fujikawa, một kỹ sư làm việc cho hãng điện tử Panasonic cho biết, hãng này đang thử nghiệm robot giao hàng ở Tokyo và thành phố Fujisawa gần đó: “Tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực vận tải sẽ là một thách thức trong tương lai. Hy vọng robot của chúng tôi sẽ được sử dụng tại những nơi cần thiết, giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng lao động”.

Còn công ty chế tạo robot ZMP đã hợp tác với những "gã khổng lồ" như Japan Post Holdings trong các cuộc thử nghiệm robot giao hàng tại Tokyo. Robot có tên DeliRo của công ty này đã thực hiện thành công việc bán rong đồ ăn nhẹ trên một con đường ở ngoại ô Tokyo. Nó còn biết tránh người đi bộ. Khi bị chặn bởi người qua đường, robot được lập trình để hiển thị một đôi mắt đẫm lệ. Kết quả thu được là người dân Nhật Bản phản ứng khá tích cực với loại hình robot giao hàng này.

“Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời”, khách hàng Naoko Kamimura cho hay sau trải nghiệm mua thuốc ho từ robot Hakobo của Panasonic. Trong cảm nhận của cô, nhân viên bán hàng là con người có thể tạo cảm giác yên tâm hơn, song với nhân viên robot, khách hàng có thể mua sắm thoải mái hơn, hoặc sẽ bớt áy náy nếu không muốn mua gì.

Hiện các nhà chế tạo đang thiết kế tốc độ tối đa cho robot ở mức 6 km/giờ để giảm khả năng bị hư hỏng nặng trong trường hợp xảy ra va chạm. Robot Hakobo của Panasonic có khả năng phát hiện chướng ngại vật và tự động phán đoán khi nào nên rẽ hay dừng lại. Trung tâm điều khiển ở Fujisawa giám sát robot và đưa ra cảnh báo qua camera bất cứ khi nào robot bị mắc kẹt hoặc dừng lại do gặp chướng ngại vật.

HIỀN MINH

Tags: Nhật Bản
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết