• :
  • :

Chiến lược AI mới của Lầu Năm Góc

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược mới về sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh các khoản đầu tư bổ sung vào lĩnh vực công nghệ AI, nhận diện mẫu và công nghệ tự động, bao gồm máy bay không người lái, đang được Washington thúc đẩy.

Theo Defense News, tài liệu này là phiên bản hoàn thiện hơn của kế hoạch chi tiết được công bố lần đầu vào năm 2018, trong đó Lầu Năm Góc dự báo AI sẽ làm biến đổi tất cả ngành công nghiệp và tác động tới mọi khía cạnh của an ninh quốc gia. Trong đó có tính tới sự gia tăng đáng kể của AI ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Theo Giám đốc Cơ quan Kỹ thuật số và AI của Lầu Năm Góc (CDAO) Craig Martell, việc đẩy nhanh áp dụng các công nghệ dữ liệu, phân tích và trí tuệ nhân tạo tiên tiến mang đến cơ hội chưa từng có, trang bị cho lãnh đạo các cơ quan ở mọi cấp độ những dữ liệu cần thiết để ra quyết định tốt hơn, nhanh hơn. 

Những mục tiêu được vạch ra trong chiến lược mới đó là thiết lập các bộ dữ liệu tốt hơn, các cơ sở hạ tầng được cải thiện, tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài Bộ Quốc phòng và cải cách các rào cản nội bộ vốn thường cản trở lĩnh vực công nghệ phát triển nhanh hơn. 

Kể từ khi các phiên bản chiến lược AI đầu tiên được công bố, công nghệ AI đã tạo ra nhiều công cụ, nền tảng và dịch vụ hơn cho các môi trường liên kết, cho phép quản lý dữ liệu cũng như phân tích và phát triển AI hiệu quả hơn. Việc các đề xuất thương mại liên quan AI được thông qua cho phép các tổ chức trong Bộ Quốc phòng tập trung vào nỗ lực chuyển đổi nội bộ cần thiết và triển khai các công cụ, dịch vụ, nền tảng thuộc sở hữu chính phủ, cho mục đích quân sự. 

Giám đốc Cơ quan Kỹ thuật số và AI của Lầu Năm Góc (CDAO) Craig Martell, đơn vị quản lý lực lượng đặc nhiệm Lima. Ảnh: Defense News 

Bộ Quốc phòng cũng tăng cường hợp tác với các học viện, ngành công nghiệp, cũng như các đồng minh và đối tác, thúc đẩy các phương pháp tốt nhất đối với việc quản lý dữ liệu, sử dụng AI có trách nhiệm và phát huy các mặt tích cực của AI. Các thử nghiệm và nghiên cứu về AI đã giúp hiểu sâu hơn về chất lượng cũng như tính khả dụng của dữ liệu. Việc này là rất cần thiết để phát triển, triển khai các khả năng phân tích nâng cao và AI quy mô lớn.

Với chiến lược mới, Lầu Năm Góc sẽ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái quốc gia và quốc tế mạnh mẽ, tạo điều kiện cho hợp tác liên chính phủ, học thuật, ngành nghề và quốc tế về dữ liệu, phân tích và công nghệ AI. Chiến lược mới nêu rõ “Bộ Quốc phòng không thể một mình thành công”. Thông qua các cam kết trong nước và quốc tế, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hợp tác giải quyết các thách thức chung, thúc đẩy chia sẻ lợi ích, tăng cường khả năng tương tác với các đối tác. Bộ Quốc phòng sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để tận dụng lợi thế so sánh, thúc đẩy khả năng tương tác trong các chiến thuật, thể chế và chiến lược liên quan đến dữ liệu, phân tích và AI. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục xuất khẩu các công nghệ quan trọng tới tùy nơi và chia sẻ dữ liệu để bảo đảm các đồng minh, đối tác vẫn linh hoạt và có khả năng sử dụng nhanh chóng các cải tiến AI và phân tích nâng cao. 

Lầu Năm Góc công bố Chiến lược mới về sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu và AI ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về AI nhằm tăng cường sự an toàn trước những rủi ro liên quan đến AI. Sắc lệnh này yêu cầu các nhà phát triển hệ thống AI phải công bố kết quả kiểm tra độ an toàn các chương trình của họ với chính phủ liên bang, trước khi phát hành rộng rãi đến người dùng. Sắc lệnh này cũng buộc các công ty phát triển AI phải thông báo cho Chính phủ Mỹ theo Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA), nếu chương trình AI đang phát triển gây ra các rủi ro về an ninh quốc gia, nền kinh tế địa phương hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Việc sử dụng AI gia tăng trong quân đội đang gây ra những tranh cãi trong thời gian qua. Ngoài những ích lợi mang lại, công nghệ này đã được sử dụng để thúc đẩy những cuộc tấn công mạng, lừa đảo và các chiến dịch tuyên truyền sai lệch. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks khẳng định Lầu Năm Góc quan tâm đến những mối nguy hiểm tiềm ẩn của AI và quyết tâm tránh những nguy cơ này. Theo bà, Bộ Quốc phòng đã đánh dấu “hơn 180 trường hợp” mà AI có thể giúp ích như phân tích các đánh giá trên chiến trường, tóm tắt các tệp dữ liệu...

Theo một thống kê, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện hơn 685 dự án liên quan đến AI tính đến đầu năm 2021. Trong đó phải kể tới việc Lầu Năm Góc thành lập lực lượng đặc nhiệm về AI-được gọi là lực lượng Lima do CDAO giám sát nhằm bảo đảm cho các mục đích an ninh quốc gia. 

Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ được trông đợi sẽ bổ sung các nỗ lực đang được thúc đẩy của chính quyền Washington nhằm bảo đảm an ninh AI, khai thác các lợi ích của AI và giảm thiểu rủi ro.  

XUÂN PHONG

Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết