ChatGPT khiến một công ty chuyên phục vụ ngành game vượt mặt Intel, Tesla lẫn Facebook về giá trị, giúp nhà sáng lập kiếm về 6,4 tỷ USD chỉ trong vài ngày
Cuộc đối đầu hàng thập niên giữa Intel và AMD đã khiến họ bỏ qua Nvidia. Liệu lịch sử Adidas mải mê đấu đá với Puma mà để Nike vượt mặt trong ngành giày có lặp lại ở mảng chip bán dẫn?
Thế nhưng thông tin này lại khiến các tập đoàn sản xuất chip như Intel hay AMD nóng mắt bởi mảng chip chuyên dành cho AI là chuyên môn của Nvidia dù các đối thủ đều có sản phẩm trong phân khúc này.
Trong khi mảng kinh doanh bộ xử lý trung tâm dữ liệu của Nvidia tăng trưởng mạnh thì AMD lại đi ngang và Intel thì thậm chí là sụt giảm.
Cổ phiếu của Nvidia đã tăng 161% từ đầu năm đến nay.
“Trong suốt 22 năm theo dõi cổ phiếu ngành công nghệ, chúng tôi chưa từng thấy một mã nào có tốc độ tăng chóng mặt như Nvidia”, chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush Securities phải thốt lên.
Nhà sáng lập đồng thời là CEO Jensen Huang của hãng đã tự tin tuyên bố kết quả kinh doanh năm nay sẽ “siêu to, siêu kỷ lục” trong năm nay.
Doanh số của Nvidia đã tăng mạnh nhờ nhu cầu bộ xử lý đồ họa (GPU) tích hợp chip bán dẫn do Nvidia sản xuất chuyên được dùng để phát triển hệ thống AI như Google, Microsoft hay OpenAI đang sử dụng.
Sản phẩm này được dùng số lượng lớn cho các trung tâm dữ liệu dùng để phát triển AI, và Nvidia là dẫn đầu thị trường ở mảng này. Bởi vậy doanh số của Nvidia trong quý I năm nay đã đạt tới 11 tỷ USD, phá vỡ mức dự đoán 7,15 tỷ USD trước đó của các nhà phân tích.
“AI chỉ là điểm kích nổ cho chiến lược dài hạn của chúng tôi. Chúng tôi đã dự đoán các bộ xử lý hiện nay là có giới hạn và việc tăng tốc tốc độ tính toán sẽ là tương lai phát triển của ngành, thế rồi ChatGPT ra đời với thành công quá lớn đã chứng thực điều này”, CEO Huang cho biết.
Cũng theo nhà sáng lập này, thị trường bộ xử lý trung tâm dữ liệu cho AI có thể đạt tổng giá trị 1 nghìn tỷ USD, qua đó trở thành miếng bánh béo bở cho các tập đoàn công nghệ. Trớ trêu thay, ông lớn Intel-tập đoàn vốn nhận được vô số ưu đãi của chính phủ Mỹ lẫn Châu Âu- lại chẳng phải kẻ dẫn đầu trong cuộc chơi này.
Thông thường thứ quan trọng nhất của một máy tính hay một trung tâm dữ liệu là bộ xử lý trong tâm CPU, vốn được các ông lớn như Intel hay AMD thống lĩnh thị trường.
Thế nhưng trong khi 2 ông lớn này mải mê đấu nhau thì Nvidia, một công ty nhỏ của Mỹ đã nhanh chóng vươn lên bằng thị trường ngách khi nhắm vào việc tăng tốc xử lý tính toán và phát triển các bộ xử lý đồ họa GPU.
Nvidia được thành lập vào năm 1993 bởi 3 kỹ sư công nghệ ngành chip với tầm nhìn rằng mảng xử lý đồ họa sẽ là có tương lai. Đầu thập niên 2000, công ty nhận được hợp đồng bước ngoặt với Microsoft khi làm chip cho dòng máy chơi game Xbox. Thế rồi dần dần hãng cũng mở rộng ra mảng công nghệ phim ảnh, âm nhạc...
Ban đầu sản phẩm của Nvidia chỉ nổi tiếng trong giới game thủ hay những chuyên gia thiết kế đồ họa, thế rồi AI bùng nổ với sự thành công của ChatGPT và mọi chuyện bắt đầu thay đổi nhanh chóng trong 6 tháng qua.
Những trung tâm dữ liệu dùng để phát triển AI cần tốc độ tính toán cao và GPU là bộ xử lý quan trọng nhất bên cạnh CPU. Bình quân mỗi trung tâm dữ liệu có tỷ lệ phân phối 8 GPU trên mỗi 1 CPU và Nvidia đang là doanh nghiệp thống trị mảng GPU cho AI.
“Những trung tâm dữ liệu trước đây thường chỉ dùng CPU để truy xuất số liệu. Thế nhưng giờ đây các doanh nghiệp cần truy xuất một lượng lớn các dữ liệu tổng quát để đào tạo, phát triển AI. Bởi vậy thay vì dùng hàng triệu CPU như trước thì giờ đây họ sẽ dùng hàng triệu GPU và chỉ một số ít CPU”, CEO Huang của Nvidia nhận định.
Ví dụ như hệ thống DGX của Nvidia chuyên dùng để đào tạo AI. Mỗi “hộp” hệ thống DGX sẽ bao gồm 8 bộ xử lý H100 GPU của hãng và chỉ 2 CPU.
Đây chính là lý do mảng kinh doanh bộ xử lý trung tâm dữ liệu của Nvidia tăng trưởng tới 14% trong quý I/2023 còn AMD thì lại chỉ đi ngang, thậm chí Intel còn suy giảm đến 39% cùng kỳ.
Giám đốc tài chính Collette Kres của Nvidia đã phải ví ChatGPT như “khoảnh khắc iPhone ra mắt” của ngành chip bán dẫn khi sự thành công của sản phẩm này đã giúp cả thế giới nhận ra tiềm năng trong mảng GPU lớn đến mức nào.
Một yếu tố nữa kích thích doanh số của Nvidia là cầu vượt cung khiến sản phẩm của hãng trở nên cực kỳ đắt đỏ so với đối thủ. Một CPU Xeon của Intel chỉ có giá khoảng 17.000 USD thì Nvidia H100 được bán đến 40.000 USD trên thị trường thứ cấp.
Mật ngọt ruồi bu
Hãng tin CNBC nhận định sức hút lợi nhuận của ngành AI và GPU sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đổ xô vào mảng này, nhất là những ông lớn như Intel và AMD, khiến cuộc chiến trở nên gay cấn. Bài học Adidas mải mê cạnh tranh với Puma để rồi bị Nike vượt mặt trong ngành giày vẫn còn đó.
Hiện AMD cũng đang có lợi thế nhất định về mảng GPU dù doanh nghiệp này trước đây chủ yếu tập trung cạnh tranh CPU với Intel. Về phía Intel, công ty cũng có mảng GPU của mình nhưng không mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng dù muốn đuổi kịp Nvidia nhưng 2 tập đoàn này chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, phát triển và cho ra dòng sản phẩm mới và đây sẽ là khoảng thời gian cơ hội cho Nvidia mở rộng thị phần.
Tuy nhiên CNBC nhận định nhiều khả năng Nvidia vẫn sẽ là ông trùm trong mảng này nhờ lợi thế dẫn đầu, tương tự như những gì Tesla của Elon Musk đang làm trong mảng xe điện. Dòng GPU tân tiến nhất của hãng sẽ là lựa chọn hàng đầu cho những sản phẩm như ChatGPT, vốn cần tốn nhiều nguồn lực để đào tạo hệ thống thông qua truy xuất dữ liệu, xử lý để biến chúng thành những dòng văn bản, hình ảnh hay đưa ra các suy luận.
Bên cạnh đó, nhờ lợi thế đi trước nên hệ thống phần mềm trong bộ xử lý của Nvidia được cho là dễ sử dụng, phù hợp cho mọi tính năng phần cứng của GPU trong việc đào tạo AI.
Thậm chí chính bản thân CEO Huang cũng đã tuyên bố rằng công ty của mình sẽ không dễ gì bị vượt mặt.
“Bạn sẽ phải thiết kế tất cả các phần mềm, dữ liệu, thuật toán, tích hợp chúng vào với nhau một cách hài hòa, ổn định rồi tối ưu hóa khung thiết kế đó không phải trên một con chip mà là toàn bộ trung tâm dữ liệu”, nhà sáng lập Huang cho biết những thách thức khi phát triển công nghệ GPU của Nvidia.
*Nguồn: Bloomberg, CNBC. WSJ
Theo Băng Băng