Bộ trưởng Hà Lan kể chuyện lái thử xe điện VinFast
Câu chuyện làm xe điện VinFast được nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan như ví dụ về đầu tư hướng tới xu thế phát triển xanh và bền vững, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan - Ảnh: N.PHÚC
Chiều 12-12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bộ trưởng Phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher đã bày tỏ sự thán phục khi Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển nhưng hiện đã có thể cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện.
Bà kể chuyện đã lái 2 vòng xe điện Vinfast quanh nhà máy và chiếc xe này sẽ được bán tại Hà Lan vào năm 2023. Điều này thể hiện tinh thần khởi nghiệp và tình yêu lao động của người Việt Nam.
Trên cơ sở đó, bà nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong chuyển đổi xanh là rất quan trọng. Để thực hiện được, bà cho rằng cần có cơ chế đối tác công tư, với tinh thần "sẵn sàng hướng xanh" trong bối cảnh biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của riêng một quốc gia nào.
Từ góc độ nhà đầu tư, bà Nguyễn Thanh Thúy - tổng giám đốc VinFast tại châu Âu, cho hay năm 2023, hãng sẽ tiến sang thị trường này. Trong đó riêng tại Hà Lan sẽ có 30 đại lý và sẽ đầu tư 12 triệu euro để thiết lập 4 phòng trưng bày, văn phòng đầu tiên của hãng sẽ được mở tại Amsterdam ngay trong tháng này.
Hãng đặt mục tiêu sẽ có 2.600 chiếc xe điện của hãng lăn bánh tại Hà Lan vào cuối năm tới. Bà đề nghị hai Chính phủ thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các loại phương tiện giao thông thân thiện môi trường.
Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan Liesje Schreinemacher đã kể về chuyện lái thử xe điện VinFast trước khi xe này lăn bánh tại Hà Lan năm 2023 - Ảnh: VGP
Đưa ra thông điệp cho các nhà đầu tư tại diễn đàn, Thủ tướng kêu gọi nhà đầu tư yên tâm đầu tư ở Việt Nam. Nếu có những lúc khó khăn thì cùng ngồi lại, đàm phán để cùng nhau giải quyết. Ông ví von như câu chuyện của bà Bộ trưởng Schreinemacher: xe điện VinFast chạy tốt thì cứ đi, song nếu có trục trặc thì dừng lại, xem xét và cùng tìm cách sửa chữa...
Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam đã nỗ lực phục hồi sau đại dịch, nhưng cũng còn những thách thức khi phải chống chịu với các cú sốc bên ngoài do Việt Nam có độ mở kinh tế cao, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn có hạn, cộng thêm những khó khăn phải đối mặt liên quan thị trường bất động sản, tài chính, ngân hàng…
Do đó, với vai trò là nhà đầu tư số một của châu Âu tại Việt Nam, Thủ tướng kỳ vọng các nhà đầu tư Hà Lan nâng cao hiệu quả để có nhiều thương hiệu Hà Lan đi vào lòng người, chinh phục và cạnh tranh được với đối tác khác trên thế giới.
Đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thách thức yêu cầu các nước phải chung tay giải quyết, thì vai trò là nước đang phát triển, Việt Nam đang đàm phán với các nước để đảm bảo công bằng công lý trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể.
Để thực hiện được điều này thì cần nguồn vốn ưu đãi. Đơn cử như nếu các tổ chức định chế tài chính cho châu Âu vay là 5% thì chỉ cho Việt Nam vay 3%. Nguồn vốn này được thực hiện chuyển đổi năng lượng, có vốn ưu đãi thì mới có giá điện phù hợp.
"Giá điện Việt Nam không thể như giá điện Hà Lan, giá điện Mỹ hay giá điện ở Pháp, do thu nhập bình quân đầu người thấp hơn. Do đó, để có giá thấp ngoài vay vốn thì cần phải tiếp cận được công nghệ. Hiện điện gió, điện mặt trời là trên 9 cent/kWh là mức giá cao, mà người dân không thể có giá cao" - Thủ tướng nói.
Chiều 12-12, tại cuộc hội kiến với Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Hoàng gia và cá nhân Hoàng hậu tiếp tục ủng hộ đẩy mạnh toàn diện quan hệ hai nước, cũng như hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ giúp Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Việt Nam.
Còn tại cuộc gặp Chủ tịch Thượng viện Jan Anthonie Bruijn và Chủ tịch Hạ viện Vera Bergkamp, Thủ tướng đề nghị Nghị viện Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; cũng như ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam...