• :
  • :

AI tiết lộ những “vết sẹo” chiến tranh quân đội Mỹ để lại ở Đông Dương

Các nghiên cứu gần đây sử dụng phân tích hình ảnh vệ tinh để tiết lộ mức độ tàn phá của chiến tranh cường độ cao mà quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Thông tin trên được tờ Le Point của Pháp tiết lộ mới đây.

Những hình ảnh mới được giải mật

Theo tờ Le Point, quân đội Mỹ đã thả hơn 7,5 triệu tấn bom trên chiến trường Đông Dương. Ngoài số lượng bom khổng lồ này còn có hơn 74 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó có chất độc da cam quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam, Lào và Campuchia trong khuôn khổ Chiến dịch Ranch Hand. Mục đích là dọn sạch khu rừng rậm che giấu bước tiến của lực lượng đối phương, đồng thời phá hủy sinh kế của người dân 3 nước này.

Ngày nay, khoảng 20% diện tích đất vẫn bị ô nhiễm bởi các loại bom, đạn chưa nổ, bao gồm cả bom chùm, tiếp tục gây thương vong. Nhiều người mắc các bệnh di truyền liên quan đến việc tiếp xúc với dioxin từ thuốc diệt cỏ, chẳng hạn như ung thư và dị tật bẩm sinh. Ước tính có khoảng 2,1 đến 4,8 triệu người Việt Nam, 500.000 người Lào và hàng chục nghìn binh lính Mỹ có thể đã tiếp xúc với dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhờ những bức ảnh có độ phân giải cao do vệ tinh quân sự chụp và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà khoa học của Đại học Edinburgh đã xác định được những khu vực có nguy cơ cao nhất bị ô nhiễm bởi dioxin và/hoặc vật liệu chưa nổ. Các kỹ thuật cực kỳ sáng tạo của AI được trình bày vào ngày 11-12-2024 tại cuộc họp thường niên của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU) ở Washington. Nhà khoa học Philipp Barthelme và các đồng nghiệp đã tận dụng lợi thế từ việc giải mật gần đây các hình ảnh từ vệ tinh do thám KH-9 Hexagon có độ phân giải rất cao (0,6-1,2m) và vệ tinh do thám KH-4 Corona có độ phân giải cao (1,8-2,7m), được chụp trong và sau chiến tranh. Chúng cho phép phân tích chi tiết những “vết sẹo” của cuộc chiến, ngày nay ít nhiều bị thảm thực vật che khuất.

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Ảnh: Le Point 

Mặc dù dữ liệu vệ tinh không thể xác định được vật liệu chưa nổ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, về mặt logic, chúng có nhiều hơn ở những khu vực bị ném bom dữ dội nhất; do đó họ lựa chọn hai khu vực nghiên cứu đáp ứng tiêu chí này. Đầu tiên là ở tỉnh Quảng Trị, nơi bị ném bom nhiều nhất ở Việt Nam trong chiến tranh vì nơi đây có vĩ tuyến 17, ranh giới phân định giữa hai miền Bắc và Nam vào thời điểm đó. Khu vực nghiên cứu khác nằm xung quanh điểm giao nhau của biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào, bao gồm các đoạn đường trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Trên hình ảnh mà vệ tinh KH-9 Hexagon cung cấp, hố bom xuất hiện dưới dạng những đốm sáng. Để nhận dạng chúng một cách tự động, các nhà khoa học đã sử dụng một dạng AI liên quan đến máy học. Nhờ đó, họ có thể xác định được hơn 500.000 miệng hố như vậy.

Vạch trần bí mật về hoạt động phun thuốc diệt cỏ trong chiến tranh

Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương, Lào là một trường hợp đặc biệt vì hành động quân sự của Mỹ được “ngụy trang” trong một thời gian dài và tác động của nó bị bỏ qua. Vào tháng 6-1971, tờ New York Times, tiếp theo là tờ Washington Post, đã tiết lộ các tài liệu tuyệt mật được gọi là Hồ sơ Lầu Năm Góc, trong đó vạch trần những lời nói dối của các tổng thống Mỹ về các hoạt động quân sự của quân đội nước này ở 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Ví dụ, Tổng thống Lyndon B.Johnson đã bí mật ra lệnh ném bom xuống Lào vào năm 1964.

Hợp tác với đài quan sát xung đột và môi trường, nhà khoa học Barthelme và các đồng nghiệp của ông tập trung cụ thể hơn vào hoạt động rải thuốc diệt cỏ ở phía Đông Nam nước Lào. Trong hình ảnh mà vệ tinh do thám KH-4 Corona thu được, những khu vực mất lá trông sáng hơn thảm thực vật khỏe mạnh, hấp thụ nhiều ánh sáng hơn. Theo nhà khoa học Barthelme, việc lập bản đồ này “sẽ giúp hướng dẫn các cuộc khảo sát và lấy mẫu trên thực địa để đánh giá thiệt hại trong quá khứ và rủi ro hiện tại, từ đó hỗ trợ cần thiết cho các cộng đồng lâu nay bị lãng quên do rải thuốc diệt cỏ”.

Tờ Le Point kết luận, năm 2025, Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phải mất gần nửa thế kỷ để giải mật các bức ảnh vệ tinh kết hợp với việc khai thác chúng bằng AI mới có thể tiết lộ chính xác hơn mức độ thiệt hại mà quân đội Mỹ để lại trên bán đảo Đông Dương trước đây.

PHƯƠNG LINH

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...