AI khơi mở tiềm năng công nghiệp hình ảnh
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành trợ thủ đắc lực của những người viết sách hay làm nghệ thuật, biến các dự án tưởng chừng như vô vọng trở thành hiện thực.
“Hiệp sĩ Dế Mèn” của tác giả Lê Văn Thao do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành vừa trở thành cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam được minh họa bằng AI. Vốn làm thiết kế đồ họa trong ngành xuất bản, tác giả Lê Văn Thao hiểu rõ việc chuyển ý tưởng của người viết sang nét bút của họa sĩ gặp muôn vàn khó khăn. Ông đã hoàn thành bản thảo “Hiệp sĩ Dế Mèn” cách đây hơn 20 năm, nhưng cho tới tận bây giờ, nhờ AI mới có thể giới thiệu tới công chúng.
![]() |
Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương thực hiện cảnh quay bằng điện thoại thông minh. |
Tác giả Lê Văn Thao chia sẻ: “Có thể cuốn sách “Hiệp sĩ Dế Mèn” chưa thật thỏa mãn với chính tôi và độc giả, song tôi hy vọng sự có mặt của cuốn sách có thể góp phần truyền cảm hứng sáng tạo cho độc giả mọi lứa tuổi bởi với sự hỗ trợ ngày càng tinh vi của AI. Giống như tôi đã dành hơn 20 năm cuộc đời để ấp ủ một dự án có thể nói là vô vọng nếu không có AI. Tôi mong rằng với sự trợ giúp tuyệt vời của công nghệ này, rất nhiều bản thảo còn cất đáy hòm sẽ có cơ hội ra mắt”.
Series phim hoạt hình “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” và đặc biệt là phim 3D chiếu rạp “Trạng Quỳnh nhí-truyền thuyết Kim Ngưu” vừa ra mắt hồi tháng 6-2025, của Alpha Animation Studio đã phát huy lợi thế công nghệ AI từ việc thu thập dữ liệu để sáng tạo ý tưởng, tình tiết cũng như những thiết kế mang tính nghệ thuật đặc trưng của phim. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Lâm Tùng, đạo diễn của những tác phẩm này, AI giúp hình dung nhanh hơn các thế giới giả tưởng, tiết kiệm thời gian ở những khâu lặp lại, để nghệ sĩ đầu tư hơn vào cảm xúc và thông điệp.
Một dự án gây chú ý khác là phim khoa học viễn tưởng “Lời nguyền dưới ánh trăng” do đạo diễn trẻ Phạm Vĩnh Khương thực hiện vừa ra mắt giữa tháng 6-2025. Với thời lượng 3 giờ, toàn bộ quá trình sản xuất hoàn toàn bằng điện thoại thông minh, không studio, không đội ngũ đông người, điều này cho thấy tính hiệu quả, tiết kiệm và sáng tạo của mô hình điện ảnh công nghệ cao. Trước đó, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cũng thành công với các video âm nhạc sử dụng AI như: “Chèo mở lái ra”, “Bức tranh Đại Việt”, “Mắt bão”, “Tiệc trắng”...
Nhắc đến đạo diễn Phạm Vĩnh Khương là nói đến người tiên phong trong việc sử dụng AI vào làm phim. Được biết, bộ phim “Lời nguyền dưới ánh trăng” được sản xuất trong 3 ngày, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Dù đã gặt hái được nhiều thành tựu trong việc làm phim bằng AI nhưng đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cho rằng, thiết bị chưa bao giờ là yếu tố quyết định, người làm chủ công cụ mới là nhân tố quyết định tương lai của tác phẩm... “Người trẻ hãy coi AI chỉ là công cụ do con người làm chủ và cần chú trọng việc học tập, tích lũy tri thức thực tế, sử dụng AI là công cụ đắc lực để thực hiện các dự án nghệ thuật một cách tốt nhất và đỡ tốn kém nhất”, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương nhận định.
Sự xuất hiện của AI trong công nghiệp hình ảnh mang lại những thuận lợi rõ rệt như rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí, mở rộng biên độ sáng tạo và đặc biệt là tạo cơ hội cho những cá nhân, nhóm nhỏ có thể tạo ra tác phẩm chất lượng mà không cần nguồn lực lớn.
Bài và ảnh: NGỌC NGA