Tiếp sức văn trẻ
Tiếp sức, góp gió, chắp cánh... như ta hay nói về sự “chăm bẵm” cho những người trẻ làm văn học nói chung thì có chính sách, cơ chế, có nhiều cá nhân, tổ chức. Có trường hợp nhờ ở tâm huyết, sáng kiến, nhờ cả vị trí công tác, tiếng nói của mình mà sự tiếp sức ấy được hiệu quả hơn. Đó là điều cần ghi nhận trong hoạt động phong trào hội nghề nghiệp mà nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là một ví dụ cho lòng “kính già, yêu trẻ” của mình.
Tôi còn lưu chút dư âm thú vị về Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm 2011. Chiều tối trước ngày khởi hành lên Phú Thọ, có cuộc gặp mặt trù bị với các đại biểu văn trẻ do lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì. Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh chia sẻ những lời có cánh ân cần với đại diện các thanh niên cầm bút từ khắp cả nước vừa tập hợp, còn những mệt nhọc và bỡ ngỡ.
Ông nói, đại ý, hội nghị là của các bạn; tương lai nền văn học nước nhà, các bạn là chủ; và cả... những người lãnh đạo tương lai của Hội, như đã thấy đây rồi... Và như thế, người cầm bút trẻ đã mang lấy nhiệm vụ, trách nhiệm thật cao quý... Nghe thế, nhiều người viết sao mà không xốn xang!
Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ tư từ phải sang, hàng đầu) cùng các đại biểu Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm 2011 thăm ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Ảnh: QUANG HƯNG |
Với trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức, đồng hành, nhưng phải nói dịp đó đã gần đến tuổi 70, nhà thơ vẫn khỏe và bền sức, ông đi liền mấy ngày cùng các bạn trẻ, từ Hà Nội lên Phú Thọ, Tuyên Quang, sang Thái Nguyên. Gần như ở đâu cũng thấy ông đứng cùng những người viết trẻ. Thăm Tượng đài chiến thắng sông Lô (Phú Thọ), thăm Khu di tích lịch sử đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên)..., ông cùng đi những đoạn đường dài vòng quanh, mấp mô, lắng nghe thuyết minh, trả lời đáp từ, trò chuyện với đại biểu trẻ. Là người lính bước ra từ chiến tranh, dường như ông rất muốn thế hệ cầm bút lớn lên sau khi đạn bom tan đi, trong những dịp như thế, có thể chạm được điều gì thiêng liêng, thắp lên chút gì như đốm lửa kính yêu non nước trong ngòi bút của mình.
Chính trong những năm nhà thơ Hữu Thỉnh lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, với thành công của việc xây dựng Ngày thơ Việt Nam tổ chức thường niên, đã có hàng chục năm, Ban Nhà văn trẻ của Hội được ưu tiên thực hiện “Sân thơ trẻ” trên sân Thái Học ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cùng chủ đề lớn với sân thơ chính-có lúc gọi là sân thơ truyền thống, như quan sát của tôi khi tham gia cộng tác và triển khai, sân thơ trẻ vẫn có chủ đề riêng, rất được chủ động trong việc thiết kế, tổ chức nội dung và được bảo đảm kinh phí lo cơ sở vật chất, thù lao nhân sự... Đó là sự quan tâm thiết thực và đáng quý. Tất nhiên, việc tư vấn, đề xuất phải có các lãnh đạo khác của Hội, có Ban Nhà văn trẻ, nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh quan tâm việc này rất cặn kẽ qua các cuộc họp tổ chức và luôn nhắc Văn phòng Hội tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm sân thơ trẻ.
Không riêng một số sự kiện mỗi nhiệm kỳ hoặc mỗi năm mới tổ chức một lần như thế, với vai trò Chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh cùng với Phó chủ tịch phụ trách Ban Nhà văn trẻ-nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khích lệ nhiều hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn dành cho người viết trẻ. Như việc Ban Nhà văn trẻ thực hiện một số cuộc tọa đàm về tác phẩm, ra mắt các tập thơ, truyện, tiểu thuyết của các nhóm hay cá nhân tác giả trẻ, diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam; hay một số chuyến thực tế sáng tác đi Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng... được Ban Nhà văn trẻ tổ chức trong quãng thời gian từ năm 2011 đến 2015; rồi trong mấy năm sau là một số cuộc khác như thực tế tại Cô Tô (Quảng Ninh), hội thảo về các chủ đề, đề tài văn học trẻ được phối hợp tổ chức tại Huế, An Giang... Cũng chính trong khoảng bảy, tám năm qua, “gối” từ nhiệm kỳ do nhà thơ Hữu Thỉnh sang nhiệm kỳ do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội, Ban Nhà văn trẻ được có ý kiến trong việc kết nạp hội viên mới. Với những tác giả đề nghị gia nhập Hội tuổi từ 35 trở xuống, Ban Nhà văn trẻ được chọn lựa và giới thiệu thêm với Ban Chấp hành, bên cạnh sự thẩm định của hội đồng chuyên môn như văn, thơ, lý luận phê bình, dịch thuật. Và thực tế, sự giới thiệu của Ban những năm qua cơ bản là suôn sẻ.
Thêm nhiều hơn các gương mặt trẻ vào Hội qua mỗi “mùa kết nạp”, một phần từ sự quan tâm, ủng hộ và cách làm ấy. Trong công tác Hội, với văn trẻ, nhà thơ Hữu Thỉnh là một người có công lao.
Nhà thơ NGUYỄN QUANG HƯNG