• :
  • :

Tiếp sức cho các tài năng trẻ theo đuổi nghệ thuật truyền thống

Với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ từ các đơn vị nghệ thuật trên cả nước, Cuộc thi tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023 vừa diễn ra tại Thanh Hóa quy tụ không ít tài năng trẻ.

Điều này minh chứng, trước dòng chảy của các loại hình nghệ thuật hiện đại, vẫn có những tài năng trẻ ngày ngày đeo đuổi và dành tình yêu cho những vốn cổ quý của nước nhà. Đồng thời, đặt ra nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi và phát triển của các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một. 

Vượt khó, nuôi dưỡng đam mê

Để hóa thân vào vai Hồ Nguyệt Cô diễn trong trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, vai diễn mẫu mực đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ tuồng thể hiện thành công, mang đến cuộc thi tài năng lần này, diễn viên trẻ Nguyễn Thị Thanh Phương đã phải mất gần nửa năm để tập luyện. Ngoại hình cao, ưa nhìn, gương mặt thanh tú xinh đẹp, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi sau khi diễn vai Hồ Nguyệt Cô, Thanh Phương kéo ống quần lên chỉ vào đầu gối chi chít những vết bầm dập, thâm đen, trầy xước chưa kịp lành, khiến người đối diện xót xa. Bởi khi hóa thân vào vai diễn, nhiều trường đoạn Phương phải di chuyển bằng đầu gối, đập người xuống sàn diễn.

“Em không ngại khó, vất vả, bởi bù lại em được thỏa đam mê diễn xuất và sống trong đủ cung bậc cảm xúc của những vai diễn nổi tiếng như Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô”, Thanh Phương đưa tay lên quệt những giọt nước mắt.

  Phần thi tài năng của nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội trong trích đoạn “Thầy đồ dạy học”.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lộc Huyền, thành quả là giải nhất dành cho Thanh Phương và giải hướng dẫn cho đạo diễn Lộc Huyền tại Cuộc thi tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023 đã bù đắp lại công sức và tâm huyết của cô trò. NSƯT Lộc Huyền cho biết, với tài năng, Thanh Phương có nhiều cơ hội chọn nghề ít vất vả hơn, nhưng có lẽ bạn được sinh ra để diễn tuồng. Hóa thân vào vai Hồ Nguyệt Cô, từ ánh mắt cho đến lời hát, vũ đạo, Thanh Phương đã hóa vai một người con gái xinh đẹp, giỏi giang, để mất viên ngọc thì trở về kiếp cáo. Ánh mắt của con cáo khác ánh mắt con người, tiếng nói cũng khác, động tác cũng khác... Thanh Phương thể hiện một cách sáng tạo, mới mẻ so với nhiều hình mẫu của các nghệ sĩ đi trước, tạo sức hấp dẫn mới cho tuồng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Bắc Ninh, Nguyễn Thị Thanh Phương (diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam) đã chọn tuồng khi mới 15 tuổi. Thanh Phương là lứa học sinh đầu tiên thuộc “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội phối hợp với các nhà hát nghệ thuật truyền thống theo hình thức vừa học vừa thực hành).

Hỏi Thanh Phương, mức thu nhập có đủ sống, nữ diễn viên cười buồn, dù đã là diễn viên chính của Nhà hát, nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ khoảng 3 đến 4 triệu đồng. Trang trải cuộc sống, Thanh Phương đi hát dân ca, nhạc trẻ ở các hội nghị, lễ hội; gần hai năm nay, nữ diễn viên học thêm nghề phụ, làm DJ (chơi nhạc) cho các bar, tụ điểm giải trí, mà như cô nói có thêm thu nhập để nuôi nghề chính là hát tuồng. “Nếu như ai cũng vì danh lợi mà bỏ đi thì ai sẽ giữ giá trị nghệ thuật dân tộc? Theo đuổi nghệ thuật truyền thống vì đam mê nên em không cảm thấy mình hy sinh, mà là niềm vui, niềm hạnh phúc, tự hào được cống hiến, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị hay, đẹp của tuồng tới khán giả”, Thanh Phương cho hay.

Để có những tiết mục biểu diễn chỉn chu, lột tả trọn vẹn tinh hoa nghệ thuật truyền thống, những tài năng trẻ đã dành nhiều tháng ngày khổ luyện. Diễn viên Trịnh Ký Vũ, sinh năm 2000 (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng) được cho là gương mặt tài năng, trẻ nhất tại cuộc thi năm nay cũng bầm dập không kém khi tập luyện và vào vai Kim Lân. “Đây là lần đầu tiên em đi thi, rất vui vì đoạt giải tài năng. Khi tham gia học, làm nghề, chứng kiến khó khăn của tuồng thì em càng cố gắng hơn nữa.

Rất may trong quá trình về Nhà hát làm nghề em được các thầy như NSND Trần Đình Sanh, NSƯT Phan Văn Quang trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy các vai diễn mẫu như Đổng Kim Lân, Tạ Ôn Đình... Để vào được một vai diễn, thường phải tập mất một năm, nhưng em không ngại khó, ngại khổ. Nhiều người cũng hỏi em, là thế hệ gen Z, sao không chọn nghề khác kiếm tiền dễ hơn, nhưng nếu cứ nghe người ta hỏi thế mà chạnh lòng thì nghệ thuật truyền thống sẽ không có người nối nghiệp. Đà Nẵng cũng có nhiều “đất” diễn, ở đường phố, khu du lịch, sân bay, nhà hát, nên diễn viên như chúng em không lo thiếu công việc và có thu nhập để yên tâm cống hiến”, Ký Vũ bày tỏ.

Tiếp sức cho thế hệ trẻ cống hiến

Trong cuộc thi năm nay, các nghệ sĩ, diễn viên đã thể hiện tài năng nghệ thuật, đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm không chỉ về nghệ thuật sân khấu truyền thống, còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.

Theo đánh giá của NSND Quốc Anh, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cuộc thi tài năng chèo, tín hiệu mừng nhất là mỗi diễn viên dự thi đều nỗ lực “thổ tận can tràng”, thể hiện tốt nhất phần thi với những vai diễn mẫu mực của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, phát huy được những yếu tố cơ bản như thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần. Còn tổ chức được những cuộc thi với sự hiện diện tham gia của đông đảo tài năng tâm huyết thì nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vẫn còn hy vọng về sự kế thừa, tiếp sức. Đây cũng là cơ hội để tài năng được tỏa sáng, được tôn vinh rồi từ đó các em được khích lệ đam mê, theo nghề.

Là nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo Hà Nội, Thúy Nga mạnh dạn đảm nhiệm vai diễn nhân vật Châu Long trong vở chèo cổ “Lưu Bình-Dương Lễ” tham gia cuộc thi. Ngoại hình ưa nhìn, giọng hát hay, cảm thụ nhân vật tốt, Thúy Nga đã thực hiện trọn vẹn vai diễn và giành giải nghệ sĩ triển vọng. “Em từng nghỉ diễn 3 năm vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhưng khi thấy mọi người đứng trên sân khấu thì người bứt rứt không yên. May mắn khi em xin trở lại Nhà hát đã được các anh chị hướng dẫn, đưa đi tham gia cuộc thi lần này và đoạt giải thì hạnh phúc vô cùng. Cuộc thi tạo cơ hội để các nghệ sĩ trẻ được thể hiện tài năng và tiếp thêm ngọn lửa đam mê để chúng em cống hiến, góp phần nhỏ bé cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà”, Thúy Nga chia sẻ.

Bốn năm dày công học tập, thêm dăm bảy năm công tác biểu diễn, nhưng thu nhập của nghệ sĩ trẻ đang công tác tại các đoàn nghệ thuật truyền thống vẫn chỉ dừng ở mức lương 3 đến 4 triệu đồng. Đồng lương ít ỏi, nuôi bản thân thôi cũng đã khó chưa nói đến nuôi gia đình, nhưng nhiều bạn trẻ đã luôn năng động có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống để làm sao giữ vững niềm đam mê với nghệ thuật.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, NSND Hàn Hải chia sẻ: “Phải yêu nghề lắm mới có thể trụ lại với đơn vị. Hiện cái khó của các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống là tình trạng thiếu trầm trọng diễn viên trẻ, chưa nói đến tài năng. Cơ hội làm việc ở các ngành nghề khác rất rộng mở, như Thanh Hóa có nhiều khu công nghiệp dệt may, lao động đơn thuần cũng có thể nhận mức lương 6 triệu đồng, so sánh với thu nhập của một diễn viên chỉ hơn 3 triệu đồng, cũng dễ hiểu vì sao nghệ thuật truyền thống không có sức hút với người trẻ”.

Hiện nay, lãnh đạo Nhà hát đang rất đau đầu để “giải bài toán” thiếu nhân lực, khi biên chế giới hạn chỉ có 86 người (cả 3 đoàn chèo, tuồng, cải lương gồm nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công, nhân viên ánh sáng, âm thanh, hành chính, lái xe...). Tính trung bình mỗi đoàn chỉ còn 20 nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công, số nhân lực ít ỏi như vậy khó có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Điều lo lắng, trăn trở của đa số các đơn vị là làm thế nào để xã hội hóa khi nghệ thuật truyền thống không còn là nhu cầu thưởng thức của phần đông khán giả. Một số địa phương đã tìm giải pháp sáp nhập thành mô hình nhà hát nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải đã dẫn tới nhiều đơn vị hoạt động nghệ thuật khó phát triển, từ đó nguy cơ nghiệp dư hóa hiển hiện trước mắt.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ