• :
  • :

Quảng bá tiếng sáo trúc

Tiếp nối ông nội là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đinh Thìn và cha là NSƯT Đinh Linh, nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, TP Hồ Chí Minh) đã chọn sáo trúc để phát triển sự nghiệp. Với sự năng động và sáng tạo, anh đã tìm hướng đi mới để giữ gìn và quảng bá tiếng sáo trúc.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo sáo trúc, nhưng Đinh Nhật Minh không muốn dựa vào cái bóng của ông nội và cha. Ngay từ năm 12 tuổi, anh được UBND TP Hồ Chí Minh cử đi học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) theo diện học bổng tài năng trẻ. 3 năm sau, anh xuất sắc giành giải nhất độc tấu sáo trúc trong cuộc thi trình diễn nhạc cụ dân tộc và nhạc dân ca tại Học viện. Ở tuổi 27, Đinh Nhật Minh đã sở hữu hơn 10 giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, như Huy chương Vàng tại: Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2017 và Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021...

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh trong một buổi biểu diễn. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Lớn lên trong thời đại công nghệ số, Đinh Nhật Minh tâm niệm cần phải vận dụng mạng xã hội để quảng bá tiếng sáo cũng như sáng tạo, cách điệu từ trang phục cho đến tác phẩm biểu diễn. Sau quá trình ấp ủ, anh đã trình diễn “The lazy song” bằng 13 nhạc cụ dân tộc, phối lại ca khúc “Despacito” phiên bản dạo quanh Sài Gòn, thổi sáo mèo trong sản phẩm âm nhạc “Để Mị nói cho mà nghe”... gây chú ý với người nghe bằng cách pha trộn tiếng sáo trúc và nhạc điện tử. Khán giả giờ đã không còn xa lạ với hình ảnh Đinh Nhật Minh trong một số video âm nhạc nhuộm tóc, đeo bông tai và mặc veston lịch lãm hay thỉnh thoảng chọn quần áo phong cách bụi bặm, phong trần. Để tạo không gian gần gũi, thân thiện với khán giả cũng như để bản thân có thể vừa thổi sáo vừa nhảy, anh còn xuất hiện với quần jeans, áo thun.

Để quảng bá tiếng sáo trúc, Đinh Nhật Minh đã tham gia rất nhiều trò chơi truyền hình, như: “Phiên bản hoàn hảo”, “Tuyệt đỉnh song ca”, “Tuyệt đỉnh song ca nhí”, “Người bí ẩn”, “Quý ông đại chiến”, “Giác quan thứ 6”, “Kỳ tài tranh đấu”... Anh cũng mang tiếng sáo trúc Việt Nam lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, như: Pháp, Đức, Phần Lan, Séc, Hungary, Bỉ, Ukraine, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Venezuela, Colombia... Với mong muốn góp sức giữ gìn, lan tỏa tình yêu, lòng tự hào với nhạc cụ dân tộc, anh và gia đình đang duy trì những lớp học chơi nhạc cụ truyền thống miễn phí tại TP Hồ Chí Minh. Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của anh, năm 2022, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã trao tặng anh danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh”.

Trăn trở với thực trạng sáo trúc chưa đến gần với công chúng, Đinh Nhật Minh thấy mình còn nhiều việc phải làm. Anh mong đưa sáo trúc và nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác đến với sân khấu học đường để học sinh thêm thấu hiểu giá trị âm nhạc dân tộc. Sắp tới, anh còn dự tính thực hiện dự án làm lại các ca khúc được yêu thích hiện nay; đồng thời hy vọng sẽ mang đến một văn hóa thưởng thức mới về âm nhạc truyền thống cho giới trẻ trong nước và quốc tế.

Nhìn thấy sự phát triển của Đinh Nhật Minh, NSƯT Đức Liên, nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam khẳng định: “Việc có cả 3 thế hệ tiếp nối, gìn giữ bộ môn sáo trúc như gia đình Đinh Thìn-Đinh Linh-Đinh Nhật Minh là điều đáng trân trọng. Đinh Nhật Minh đã có cách truyền tải tiếng sáo phá cách, sáng tạo, dễ đi vào lòng khán, thính giả, nhất là với người trẻ. Mong rằng, cậu ấy sẽ sớm ghi tên mình là ngôi sao trên bầu trời sáo trúc nước nhà”.

NGÔ KHIÊM

Tags: sáo trúc
Lượt xem: 23
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết