Nhầm lẫn tai hại về chất gây nghiện khiến một bộ phận giới trẻ rơi vào nghiện ngập?
Một bộ phận giới trẻ đang sa đà vào nghiện ngập các chất kích thích, chất gây nghiện, ma túy và có những nhận thức lệch lạc về các chất này... Thực trạng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai người trẻ mà còn đe dọa sự phát triển bền vững của xã hội.
Thanh niên hút bóng cười tại một tụ điểm giải trí về đêm. (Ảnh minh họa) |
“Không cấm nên mình dùng điều độ cũng được (?!)”
Một người mẹ - chị T.T.H.D., ngụ đường Âu Cơ, Tân Bình, TP HCM chia sẻ, chị phải đưa con gái đi điều trị tâm thần do tác dụng của bóng cười. Bệnh nhân đang là sinh viên, ban đêm đi làm thêm tại một nhà hàng và được đồng nghiệp, khách trong nhà hàng rủ hít bóng cười. Từ đó, làm được bao nhiêu tiền, cô sinh viên tiêu hết vào thú vui hút bóng. Cho đến khi chị phát hiện ra, con gái đã “nghiện” bóng cười, ngày nào cũng phải sử dụng. Đỉnh điểm đêm sinh nhật, cô sử dụng 6 quả bóng cười và có dấu hiệu rối loạn hành vi, phía nhà hàng báo gia đình đưa đi nhập viện.
Tác hại là thế, nhưng hiện nay, một bộ phận giới trẻ (cả các bậc người lớn) vẫn coi bóng cười là “vô hại”. Một phần nguyên nhân có lẽ do tại Việt Nam việc sản xuất, kinh doanh bóng cười không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm, tuy nhiên, khí N2O có trong bóng cười lại nằm trong danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định Phụ lục 2 Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Ở các quán ăn, quán nhậu, karaoke vẫn thấy người trẻ thoải mái, công khai hút bóng cười, thậm chí đăng tải lên mạng xã hội để “khoe”. Tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM, đêm đêm, rất dễ để bắt gặp cảnh các bạn trẻ ngồi lề đường ăn nhậu, nghe nhạc, thi nhau hút bóng...
Tỉnh táo nhận diện ma túy “núp bóng”
Khí cười (N2O) có tên tiếng Anh là Nitrous oxide, tên khoa học là Dinitơ monoxit. Tại mục số 120 thuộc Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 9/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, khí N2O được quy định là một trong các loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Việc sản xuất, kinh doanh phải được đăng ký ngành nghề có điều kiện, có giấy phép kinh doanh và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về thủ tục pháp lý cũng như quy định về an toàn.
Theo quy định tại danh mục I ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP, cần sa và các chế phẩm từ cần sa được xếp vào chất ma túy và tuyệt đối cấm sử dụng trong y học cũng như trong đời sống xã hội. Cần sa chỉ được sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Tương tự, cũng theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP, chất XLR-11 hay còn gọi là “cỏ Mỹ” cũng nằm trong trong danh mục ma túy và tiền chất.
Việc nhiều thanh, thiếu niên có sự nhầm lẫn, thiếu hiểu biết như trên cho thấy “lỗ hổng” trong sự tuyên truyền nói chung và giáo dục trong gia đình, nhà trường vẫn chưa thực sự sâu sát.
Ngoài ra, một số chất gây nghiện hoành hành trong đời sống giới trẻ hiện nay đang được cảnh báo là các loại kẹo, thực phẩm tạo ảo giác, thuốc lá điện tử... Bản thân các sản phẩm này chưa nằm trong danh mục bị cấm. Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở đây là vì lợi nhuận, một số tổ chức, cá nhân đã tẩm các loại ma túy tổng hợp vào các sản phẩm này để gây nghiện cho giới trẻ. Bản thân nhiều em học sinh, sinh viên cũng biết nhưng sử dụng các sản phẩm này như một cách để tránh sự kiểm soát của gia đình, nhà trường. Đã có trường hợp các em bị nghiện ngập, ảo giác gây co giật, thậm chí tử vong vì sử dụng các loại ma túy “núp bóng” này.
Ngày 15/6, Công an TP HCM có thông báo về thực trạng hiện nay trên địa bàn thành phố xuất hiện các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, thuốc lá điện tử nhắm đến học sinh, sinh viên trên địa bàn. Các đối tượng trộn ma túy trong bánh, kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, dược phẩm… Hoặc ma túy cũng được pha trộn, tẩm ướp trong thuốc lá điện tử. Thủ đoạn các đối tượng là “núp bóng” thực phẩm, thuốc lá điện tử với bao bì bắt mắt, hương vị thu hút để dễ dàng tiếp cận giới trẻ.
Theo Công an TP HCM, phần lớn các đối tượng trao đổi, mua bán qua các nhóm kín, mạng xã hội nước ngoài; sử dụng các đơn vị trung gian như Grab, Bee, Gojek… để vận chuyển gây khó khăn cho công tác phát hiện và điều tra. Từ đây, cơ quan Công an TP HCM đề nghị người dân đề cao cảnh giác với các hình thức ma túy mới trà trộn trong cộng đồng, khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhà trường theo dõi sát sao học sinh, đề phòng các hiện tượng lạ nơi các em để kịp thời ngăn chặn, giáo dục, khuyến cáo các em về việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thuốc lá điện tử...