Hành khúc - giá trị vững bền của âm nhạc cách mạng Việt Nam
Xuất hiện từ rất sớm, luôn đồng hành với dân tộc, nói lên tiếng nói thời đại, không thể thiếu vắng trong các sự kiện lớn của dân tộc-đó chính là những đặc điểm nổi bật khi nhắc tới thể loại hành khúc trong nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20 nói chung, nhạc cách mạng Việt Nam nói riêng.
1. Từ những năm 30 của thế kỷ 20, khi nền tân nhạc còn manh nha hình thành ở nước ta, khi phong trào viết lời Việt theo điệu Tây đang dần trở thành xu hướng trong đời sống âm nhạc, những nhạc sĩ bắt đầu có các hoạt động truyền bá âm nhạc mới ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam; những sáng tác theo lối mới âm nhạc phương Tây bắt đầu hình thành, và khi các ca khúc bắt đầu xuất hiện trên các trang báo thì một trong những ca khúc được biết đến sớm nhất trong giai đoạn này, lại là một sáng tác thuộc thể loại hành khúc.
Đó là ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu. Hoàn cảnh sáng tác ca khúc này khá đặc biệt. “Cùng nhau đi hồng binh” ra đời năm 1930, được coi là ca khúc khai sinh nền tân nhạc Việt Nam, đồng thời cũng là nền âm nhạc cách mạng. Đinh Nhu sớm tham gia hoạt động cách mạng, ông sáng tác ca khúc này khi chưa đầy 20 tuổi trong bối cảnh đang bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), đã bị kết án tù chung thân và sẽ bị đày đi Côn Đảo. Trong chốn lao tù, với lòng yêu nước và được sự động viên của anh em bạn tù, Đinh Nhu đã sáng tác “Cùng nhau đi hồng binh” bằng một cây sáo trúc được chuyển vào từ bên ngoài. Bài hát nhanh chóng được lan truyền khắp các nhà tù Bắc, Trung, Nam trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tiết mục “Tiến bước dưới quân kỳ” trong Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức tháng 11-2024. Ảnh: TUẤN HUY |
Thể loại hành khúc tiếp tục được lan tỏa trong giới sáng tác ca khúc và phát triển mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ở thế kỷ 20. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều hành khúc đã ra đời và nhanh chóng có vị trí quan trọng đóng góp không nhỏ trong việc cổ vũ, động viên tinh thần, khích lệ ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Những hành khúc tiêu biểu trong giai đoạn này phải kể tới như: “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước; “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng; “Phất cờ Nam tiến” của Hoàng Văn Thái; “Mười chín tháng Tám” của Xuân Oanh; “Đoàn vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu; các bài “Hành quân xa” và “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; “Đường lên Tây Bắc” của Văn An; “Qua miền Tây Bắc” của Nguyễn Thành; “Tiến về Sài Gòn” của Lưu Hữu Phước; “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi; Văn Cao có “Chiến sĩ Việt Nam”, “Tiến về Hà Nội” và “Tiến quân ca”... Mảng đề tài ca ngợi Đảng ở giai đoạn này cũng đã xuất hiện tác phẩm thuộc thể loại hành khúc được đón nhận như “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam” của Đỗ Minh.
Có thể nói, sau “Cùng nhau đi hồng binh”, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hành khúc đã nhanh chóng phát triển và trở thành một trong những thể loại chủ đạo của âm nhạc cách mạng. Nếu như ca khúc mở đầu còn khá đơn giản trong ca từ cũng như khúc thức âm nhạc thì hành khúc ở thời kỳ kháng chiến đã được mở rộng hơn, phong phú hơn về mọi mặt. Chẳng hạn, không chỉ kêu gọi mọi người tham gia kháng chiến mà còn là lời khẳng định về ý chí, sức mạnh như trong “Diệt phát xít”, “Tiến về Sài Gòn”, “Tiến về Hà Nội”. Không gian âm nhạc được mở rộng, các tác giả đã khai thác chất liệu truyền thống dân tộc đưa vào trong hành khúc như trường hợp “Giải phóng Điện Biên” (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) khai thác đan xen giữa âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ với dân ca và dân vũ của vùng Tây Bắc; hay việc khai thác nhịp hành khúc trở thành một đoạn nằm trong một tác phẩm lớn như trường hợp “Người Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi)...
2. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể loại hành khúc trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam được bổ sung thêm nhiều ca khúc có giá trị. Một số hành khúc được chú ý trong thời gian này phải kể tới “Quân đội ta quân đội anh hùng” của Văn An; “Hành khúc giải phóng” của Long Hưng-Lưu Nguyễn (tức Hoàng Hiệp và Lưu Hữu Phước); “Bài ca chiến thắng” của Nguyễn Đức Toàn; “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục; “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Doãn Nho, phổ thơ Hữu Thỉnh...
Còn nhiều hành khúc khác như: “Hà Nội những đêm không ngủ” của Phạm Tuyên; “Tiếng nói Hà Nội” của Văn An; “Đêm Hà Nội”, “Tình yêu Hà Nội” của Hoàng Vân; “Hành khúc ngày và đêm” của Phan Huỳnh Điểu... Ngay trong đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” được viết trên nền nhịp hành khúc của Phạm Tuyên đã vang lên khắp mọi nẻo đường quê hương.
Có thể nói, giai đoạn này hành khúc tiếp tục được bổ sung thêm những yếu tố mới trong âm nhạc cũng như truyền tải nội dung ca từ. Chẳng hạn cổ vũ động viên tinh thần quân và dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, đan xen giữa nhịp hành khúc trở thành một phần nằm trong một tác phẩm. Đặc biệt, ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhịp hành khúc bên cạnh việc tiếp tục thể hiện tinh thần thời đại, ý chí quyết tâm thì yếu tố đan xen với nhịp điệu trữ tình thể hiện tình cảm, tình yêu đôi lứa đã hiện hữu khá nhiều trong sáng tác của các nhạc sĩ. Điều này thể hiện tình cảm cá nhân hòa chung vào thời đại. Còn nhiều hành khúc được sáng tác khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhiều tác phẩm có giá trị về nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng tiếp tục làm giàu kho tàng âm nhạc Việt Nam, chẳng hạn như “Hát mãi khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền; “Cây đàn ghi ta của đại đội ba” của Xuân Hồng; “Đàn ghi ta một dây” của Minh Quang...
“Từ giã chốn thân quen, xa rời phố phường/ Về nơi đồng hoang vu, rừng xa vắng/ Dầu dãi với phong sương như ở chiến trường/ Đoàn ta đi xây đắp quê hương...”. Đây là những câu hát trong “Bài ca thanh niên xung phong” rất quen thuộc một thời do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác năm 1978, khi đất nước bước sang giai đoạn mới, kêu gọi thanh niên cống hiến sức mình xây dựng quê hương. Hành khúc “Bài ca thanh niên xung phong” chỉ là một trong số rất nhiều ca khúc viết về mảng đề tài thanh niên. Có thể kể ra đây một vài ca khúc đã quen thuộc như: “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” của Văn Dung; “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” của Triều Dâng; “Thanh niên làm theo lời Bác” của Hoàng Hòa, “Khát vọng tuổi trẻ” của Vũ Hoàng... Cũng là tác phẩm dành cho đối tượng thanh niên còn phải kể tới hành khúc “Bài ca sinh viên” của Hoàng Tiến. Không chỉ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng cũng có nhiều ca khúc được viết trên nền nhịp hành khúc, chẳng hạn riêng nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác khá nhiều hành khúc và giờ đây đã là tác phẩm sống cùng thời gian, tiêu biểu như: “Nhanh bước nhanh nhi đồng” ra đời năm 1944 và “Cùng nhau ta đi lên” sáng tác năm 1950, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”; “Hành khúc đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Phạm Tuyên...
3. Hành khúc ra đời từ sớm và luôn đồng hành với đời sống cũng như tinh thần của người Việt. Dù là nhịp hành khúc nhưng được các nhạc sĩ Việt Nam khai thác linh hoạt, hiệu quả, thể hiện nhiều sắc thái tình cảm khác nhau. Về nội dung của những hành khúc cũng rất phong phú, phổ biến nhất là hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, khích lệ tinh thần tập thể. Giai đoạn hiện nay, khi đời sống đã phát triển, nhu cầu thưởng thức âm nhạc cũng rất đa dạng nhưng hành khúc vẫn luôn có sức sống vững bền, có vị trí, tiếng nói riêng đồng hành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng hành với quê hương, đất nước, đặc biệt trong các sự kiện lịch sử trọng đại.
Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG