Giới trẻ Hàn Quốc hứng thú đọc sách văn học
Theo báo cáo mới đây của Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Hàn Quốc, sách văn học thống trị 8 vị trí hàng đầu trong danh sách những đầu sách được mượn nhiều nhất tại thư viện SNU.
Gần đây đọc sách đã trở thành một hoạt động văn hóa thời thượng với thế hệ trẻ Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP
Lần đầu tiên sau 7 năm, sách giáo trình đã rơi khỏi top 10 đầu sách được sinh viên mượn nhiều nhất tại SNU. Từ năm 2023 trở về trước, sách giáo trình thống trị các đầu sách được mượn nhiều nhất tại các trường đại học, khi sinh viên ưu tiên kết quả học tập và tìm kiếm việc làm hơn là đọc tiểu thuyết và thơ. Nhưng năm 2024, tình thế đã đảo ngược, tác phẩm văn học đã chiếm lĩnh danh sách mượn.
Theo báo cáo này, năm 2024 cuốn I Do Not Bid Farewell của nhà văn Hàn Quốc đoạt giải Nobel Han Kang được mượn nhiều nhất tại thư viện SNU. Các vị trí từ thứ 2 đến thứ 4 cũng thuộc về các tiểu thuyết, trong khi tiểu luận và văn xuôi xếp thứ 5 và thứ 6, tiếp đến lại là tiểu thuyết ở vị trí thứ 7 và 8. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, sách học thuật không có trong danh sách 10 đầu sách được mượn nhiều nhất của SNU.
Theo Nhật báo Chosun, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra tại các trường đại học khác của Hàn Quốc. Tại Đại học Hàn Quốc, 8/10 cuốn sách được mượn nhiều nhất là tiểu thuyết, trong khi Đại học Nữ sinh Ewha có 9 cuốn tiểu thuyết lọt vào top 10. Tại Đại học Sogang, các tiểu thuyết như Pachinko và The Vegetarian nằm trong số những tựa sách được mượn nhiều nhất.
Đại diện ngành xuất bản Hàn Quốc cho biết: “Độc giả ở độ tuổi 20 được tiếp xúc với nội dung số từ khi còn nhỏ nên họ thấy sách giấy rất mới mẻ và phong cách. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi với những bài đăng thoáng qua trên mạng xã hội và đang khám phá ra sức hấp dẫn của đọc sách”.
Byun Ji-min, sinh viên SNU cho rằng: “Việc đọc sách đã mở rộng tầm nhìn và làm phong phú thêm các cuộc trò chuyện. Bây giờ, đọc sách đã trở thành sở thích của tôi”. Đồng tình với ý kiến trên, Kim Min-woo - một sinh viên khác nói: “Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết để thư giãn trong quá trình tìm việc căng thẳng sau khi thấy bạn bè đăng ảnh đọc sách. Tuy nhiên, câu chuyện của các nhân vật trong tiểu thuyết đã giúp tôi suy ngẫm về những nỗ lực của mình và sắp xếp lại suy nghĩ”.
Shin Ji-young, giáo sư Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc tại Đại học Hàn Quốc đánh giá: “Sau khi tác giả Han Kang được đề cử Giải Nobel, sách của bà đã bán được hơn một triệu bản, một thành tựu đáng kinh ngạc trong ngành xuất bản hiện tại của Hàn Quốc. Tôi hy vọng điều này sẽ thúc đẩy mọi người đọc sách nhiều hơn”.
Nhiều người thường cho rằng, giới trẻ ngày nay có xu hướng ít đọc sách giấy mà chỉ đam mê các phương tiện kỹ thuật số. Tuy nhiên, thành công của Hội chợ sách quốc tế Seoul 2024, nơi đã chào đón khoảng 150.000 du khách, ghi nhận lượng khách tham quan tăng 15,4% so với năm ngoái, đã chứng minh nhận định trên chưa hẳn đã đúng. Điều này tương quan với những thay đổi gần đây về cách giới trẻ nhìn nhận việc đọc sách.
Theo các chuyên gia, sự lên ngôi của sách văn học tại các trường đại học Hàn Quốc phản ánh xu hướng “text hip”, một phong trào văn hóa được thế hệ gen Z và Millennials trẻ đón nhận. Thuật ngữ này kết hợp giữa “text” (văn bản) và “hip” (thời thượng) hàm ý rằng việc đọc sách đang trở thành biểu tượng của sự sành điệu. Ban đầu, nhiều người trẻ đọc sách chỉ để tạo ấn tượng về sự tinh tế, nhưng họ nhanh chóng khám phá niềm vui thực sự từ văn học.
Trào lưu “text hip” bắt đầu từ việc các thần tượng K-pop và những người nổi tiếng khác chia sẻ kinh nghiệm đọc sách. Ví dụ ca sĩ Minji của ban nhạc NewJeans đọc tiểu thuyết kinh điển The Age of Innocence của Edith Wharton trong một video âm nhạc; hay ca sĩ Jang Won-young của nhóm IVE trong một cuộc phỏng vấn chia sẻ rằng cô đọc các tác phẩm của triết gia Arthur Schopenhauer và The Analects của Khổng Tử trong thời gian rảnh rỗi. Những chia sẻ này đều thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ.
Các chuyên gia nhận định, “text hip” có tiềm năng trở thành biểu tượng văn hóa định hình cả một thế hệ thay vì chỉ là một trào lưu nhất thời. Trên mạng xã hội, người trẻ chia sẻ hình ảnh bìa sách, đoạn trích yêu thích để thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân. Mặc dù một số người xem phong trào này là hình thức hoặc bề nổi, nhưng không ít độc giả đã tìm thấy niềm đam mê sâu sắc với việc đọc thông qua trào lưu này.
Sách có giá rẻ và dễ tiếp cận so với các sản phẩm văn hóa khác. Để “text hip” phát triển qua nhiều thế hệ, cần phải có nỗ lực bền bỉ. Trên thực tế, tỉ lệ người lớn đọc sách cho thấy sự phân chia thế hệ. Theo Viện nghiên cứu tiếp thị xuất bản ở Hàn Quốc, năm 2024 có 74,5% người ở độ tuổi 20 đọc sách, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 47,9% đối với những người ở độ tuổi 40 và 36,9% đối với những người ở độ tuổi 50. Thanh thiếu niên ngày nay, vốn quen với mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trực quan cũng có thể gặp phải những thách thức trong việc phát triển thói quen đọc sách.