• :
  • :

Gen Z đi làm ở Phố Wall: “Nhập gia tuỳ tục” hay thích gì làm nấy?

Ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ trẻ với lối sống cởi mở bước chân vào ngành từ lâu đã nổi tiếng với tính bảo mật đặc trưng.

 

Gen Z đi làm ở Phố Wall: “Nhập gia tuỳ tục” hay thích gì làm nấy?

Năm ngoái, khi ông chủ của Naeche Vincent nói rằng cô cần đến văn phòng, Naeche đã quyết định làm một video TikTok về việc chuẩn bị bước chân vào ngân hàng đầu tư Phố Wall lần đầu tiên trong đời.

Người ‘trẻ’ đi làm nơi ‘già’

Những video trước đây của Naeche đã thu hút được 2,4 triệu lượt thích. Cô gái 24 tuổi này đã làm việc tại nhà kể từ khi bắt đầu trở thành một nhà phân tích vào năm 2020. Để tạo được ấn tượng tốt khi đến văn phòng, cô cần đi mua quần áo mới phù hợp chốn công sở, chỉnh sửa lại lông mày và làm bộ móng tay mới không quá nổi bật.

"Tôi không thể có 'móng vuốt' được nữa rồi. Nơi đó không chấp nhận 'móng vuốt'"- cô nói về môi trường công việc mới của mình trong video, vẫy vẫy những chiếc móng tay dài.

Thế nhưng, Vincent đã không đề cập đến nơi làm việc cụ thể cũng như rất cẩn thận không tiết lộ sếp của mình là ai.

Gen Z đi làm ở Phố Wall: “Nhập gia tùy tục” hay thích gì làm nấy? - Ảnh 1.

"Thế giới ngân hàng rất nghiêm ngặt. Có nhiều thứ bạn không thể chia sẻ trực tuyến. Nếu bạn đăng lên mạng xã hội về một công ty cụ thể thì về cơ bản bạn đã trở thành phát ngôn viên của công ty ấy. Nên tôi không thể tiết lộ nơi mình đang làm việc"- Vincent cũng yêu cầu Bloomberg không tiết lộ về người sếp của mình.

Người Mỹ thuộc thế hệ gen Z đã trưởng thành thường chia sẻ cuộc sống của họ trên mạng xã hội và cảm thấy không có lý do gì có thế khiến họ ngừng làm như vậy, kể cả khi đã bước chân vào thế giới doanh nghiệp.

Tình trạng này đặt ra một câu hỏi hóc búa đối với Phố Wall, nơi tính bảo mật đã ‘ăn vào trong máu". Những video chân thực như của Vincent có thể đóng vai trò như một công cụ tuyển dụng cho một ngành đang gặp khó khăn trong việc thu hút các tài năng trẻ khác nhau.

Nhưng đồng thời những nội dung này cũng có thể làm sáng tỏ những đặc tính của các ngân hàng lớn nhất của New York, bao gồm cả tinh thần "làm hết sức, chơi hết mình" của Phố Wall.

Có những video TikTok cho thấy các thực tập sinh của JPMorgan Chase & Co. tổ chức tiệc trên du thuyền quanh Manhattan, các nhân viên của Goldman Sachs Group Inc. xếp hàng ở xe chở đồ ăn bên ngoài văn phòng hay Morgan Stanley có phục vụ đồ ăn tại buổi hướng dẫn thực tập mùa hè. Còn có những video gần đây cho thấy các nhân viên ở văn phòng đã dậy được đủ sớm để đi ngắm mặt trời mọc trên sông Hudson hay các nhà phân tích ngồi làm việc đến quá nửa đêm.

Cho đến nay, các công ty đang có những bước đi khá thận trọng. Một vài ngân hàng chọn cách khuyến khích sử dụng mạng xã hội, trong khi những ngân hàng khác đang kiểm soát những câu chuyện kể về chính họ. Goldman có kế hoạch sớm ra mắt video TikTok để chia sẻ những cái nhìn thoáng qua về một ngày làm việc bình thường của một số nhân viên cấp dưới.

Đồng thời, các nhân viên của Goldman và Bank of America Corp. đã gỡ bỏ các video mà công ty cho rằng đã vi phạm nguyên tắc của họ. Hầu hết những người trẻ tuổi đăng bài trên mạng xã hội không tiết lộ nơi họ làm việc để bảo vệ bản thân khỏi những phản ứng dữ dội tiềm ẩn và sẽ không đăng nội dung nào có liên quan đến nhà tuyển dụng.

Tận dụng sức mạnh đúng cách

Tất cả các ngân hàng lớn đều có một số chính sách truyền thông xã hội. Họ thường cấm quay video trên các sàn giao dịch. Việc chia sẻ nội dung có thông tin bí mật về khách hàng, tiền lương hoặc tiền thưởng có thể làm dấy lên những mối đe doạ.

Gen Z đi làm ở Phố Wall: “Nhập gia tùy tục” hay thích gì làm nấy? - Ảnh 2.

Mặc dù nhân viên của Goldman được phép đăng bài nhưng ngân hàng này vẫn nhắc nhở rằng họ không "đăng ẩn danh trên mạng" và "hành động của họ có thể phản ánh tiêu cực về công ty"- theo một tài liệu về quy tắc ứng xử của công ty mà Bloomberg đọc được. Goldman đã từ chối đưa ra bình luận về chuyện này.

Tại Bank of America vào đầu năm nay, một video có nội dung về việc trở thành một nhà phân tích ngân hàng đầu tư đã lan truyền mạnh mẽ. Người xem đã thấy một nhóm nhân viên làm việc trong văn phòng đến quá nửa đêm. Đoạn video này đã bị gỡ xuống ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội. Bank of America đã từ chối bình luận về câu chuyện này.

Alan Johnson, giám đốc điều hành của tập đoàn tư vấn Phố Wall Johnson Associates cho biết: "Hầu hết các công ty sẽ nói rằng bạn không nên nói về công ty của mình trên mạng xã hội. Họ sẽ không đăng cá nhân các nhân viên trong công ty và nhân viên cũng không nên đăng về họ."

Các ngân hàng khác đang đón nhận sự thay đổi thế hệ, miễn là các bài đăng vẫn tuân thủ các chính sách và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của họ. Morgan Stanley đã cung cấp các thiết bị chiếu sáng cho lớp học thực tập mùa hè để thực tập sinh có thể quay video bằng điện thoại của mình, đồng thời khuyến khích mọi người sử dụng hastag #MyMSSummer trên các bài đăng cá nhân.

Phát ngôn viên của Morgan Stanley cho biết: "Nhân viên của chúng tôi là những đại diện tốt nhất cho văn hóa và giá trị công ty. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích các thực tập sinh chia sẻ về trải nghiệm của họ trong vài năm qua."

Một số công ty ở Phố Wall đang cố gắng kiểm soát câu chuyện bằng cách sản xuất nội dung truyền thông xã hội của riêng họ. Nội dung này phải tuân thủ các quy định của ngành. BlackRock Inc. đã gia nhập TikTok vào đầu năm nay. Kể từ đó, họ đã sản xuất các video hướng đến gen Z, so sánh sự tương đồng giữa đầu tư tích cực và múa bale, hoặc giải thích chủ nghĩa tư bản thông qua món súp gà. Kể từ khi ra mắt kênh mạng xã hội vào tháng 2, BlackRock đã thu được tổng cộng khoảng 7.000 lượt thích và ít nhất đã có vài video thu hút được hơn 100.000 lượt xem.

Brian Hanly, giám đốc điều hành của công ty sáng tạo nội dung Bullish Studio, cho biết rằng những video được chỉnh sửa nhiều sẽ không thu hút được một thế hệ đang tìm kiếm những nội dung chân thực.

"Cách thế hệ trẻ có thể thúc đẩy các ngân hàng này vượt trội hơn nhiều so với những gì các ngân hàng có thể làm cho chính họ"- Hanly nói.

Thách thức đối với Phố Wall

Giống như hầu hết các công ty ở Mỹ, Phố Wall đang tích cực tuyển dụng các ứng viên mới nhưng cũng đang vật lộn để thuyết phục mọi người rằng đây không còn là "câu lạc bộ" của những người lỗi mốt nữa. Một trở ngại đối với việc xây dựng một lực lượng lao động đa dạng hơn là quan điểm phổ biến cho rằng các ngân hàng lớn muốn tuyển dụng những người có màu da giống mình.

Gen Z đi làm ở Phố Wall: “Nhập gia tùy tục” hay thích gì làm nấy? - Ảnh 3.

Katherine Jollon Colsher, giám đốc điều hành của Girls Who Invest, cho biết rằng cần phải tạo điều kiện để phụ nữ nói chung và phụ nữ da màu nói riêng có thể cảm thấy các công ty quản lý đầu tư chào đón họ và họ thuộc về nơi đó.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhân viên, đồng nghiệp cũng có thể là những nhà tuyển dụng hiệu quả nhất. Vincent cho biết cô sử dụng TikTok của mình để dạy phụ nữ da đen cách làm quen với thế giới doanh nghiệp và với văn hóa Phố Wall.

Vincent nói: "Nhiều thực tập sinh và các nhà phân tích trẻ tuổi đến gặp tôi và đặt lịch để gặp tôi. Họ nói: "Tôi đã xem video của bạn. Nó khiến tôi rất hào hứng và mong có thể làm việc ở đây".

Những video đưa ra những cái nhìn thoáng qua về cuộc sống thực tại ở Phố Wall, trái ngược với phiên bản bóng bẩy hào nhoáng do bộ phận PR của các công ty sản xuất, lại là điều thu hút những người trẻ tuổi xem chúng.

"Thế hệ của chúng tôi thực sự coi trọng sự minh bạch. Nếu tôi quan tâm đến một nghề nghiệp tiềm năng, tôi sẽ muốn biết chi tiết về việc kinh doanh, văn hóa và những khó khăn có thể gặp phải. Tôi cần dành nhiều thời gian cho các cuộc phỏng vấn và chuẩn bị cho việc theo đuổi sự nghiệp lâu dài"- Brian Ariyo, một sinh viên đại học 20 tuổi cho hay.

Lượt xem: 103
Tác giả: Minh Phương
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...