• :
  • :

Bứt phá sáng tạo là nhu cầu của mỹ thuật trẻ

Dù vẫn còn hạn chế trong cách thức trưng bày, truyền thông quảng bá, Festival mỹ thuật trẻ 2022 là sự kiện đáng chú ý trong đời sống mỹ thuật.

Qua triển lãm, công chúng có thể tin tưởng vào một lớp họa sĩ dấn thân trong nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm công dân, hứa hẹn những bứt phá sáng tạo trong thời gian tới.

Sáng tạo là nhu cầu mãnh liệt

Hầu hết tác phẩm của các họa sĩ trẻ tham dự Festival được sáng tác trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này cho thấy dù trong hoàn cảnh nào, sáng tạo là nhu cầu tự thân, là khát khao của những họa sĩ trẻ.

Festival mỹ thuật trẻ 2022 thể hiện sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với sự phát triển mỹ thuật nước nhà, tạo ra “sân chơi” cho các họa sĩ từ 18 đến 35 tuổi tham gia giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sáng tạo. Họa sĩ Lâm Tú Trân (25 tuổi, TP Hồ Chí Minh), một trong 3 tác giả có tác phẩm giành giải nhất cho biết: “Trước đây, tôi mới chỉ tham gia các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật cấp khu vực. Lần này được tham gia Festival với các đồng nghiệp khắp cả nước, tôi thấy bất ngờ về sự đa dạng góc nhìn, cách thể hiện của những họa sĩ trẻ cùng thời”.

Công chúng chiêm ngưỡng tác phẩm “Lũ thượng nguồn 2” giành giải nhất Festival mỹ thuật trẻ 2022.Ảnh: THANH TÙNG. 

Đúng như cảm nhận của họa sĩ Lâm Tú Trân: 126 tác phẩm của 102 tác giả được triển lãm thể hiện sự đa dạng trong sáng tác bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau (hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt, video-art...). Thậm chí, cùng một chất liệu lụa, tác phẩm “Hợp nhất” của Nguyễn Thanh Thủy đã kết hợp với các chất liệu khác làm gia tăng chiều kích nghệ thuật. Họa sĩ đã sử dụng những khung cửa bằng nhựa, lụa được đặt bên trong vẽ phong cảnh, tạo hiệu ứng thị giác bất ngờ.

Xu hướng đáng chú ý là nhiều họa sĩ trẻ đã tìm về với các chất liệu truyền thống (lụa, sơn mài, trúc chỉ); nhiều đề tài, họa tiết mang đậm tính dân tộc. Quan trọng hơn là chiều sâu trong cách thể hiện tác phẩm đã có sự hài hòa giữa hình thức và nội dung, không có sự bắt chước, lai căng, chỉ thiên về hình thức thuần túy như trào lưu trước đây.

Dù tuổi đời còn trẻ song các họa sĩ đã có ý thức trách nhiệm công dân, thông qua ngôn ngữ tạo hình đã thể hiện quan điểm về các vấn đề đời sống đương đại. Tác phẩm “Lũ thượng nguồn 2” giành giải nhất Festival của họa sĩ Trần Đình Thắng gửi đến thông điệp về vấn đề bảo vệ môi trường. Nguyên quán ở Quảng Bình nên Trần Đình Thắng chứng kiến nhiều lần sức tàn phá của thiên tai, lũ lụt trên quê hương. Anh đã dành 6 tháng trời để uốn, gò, hàn những thanh thép thành hình khối thể hiện sức mạnh nước lũ. Người xem ấn tượng bởi từ chất liệu kim loại vô tri, dưới bàn tay người nghệ sĩ trở nên sống động; cũng vì vậy, thông điệp bảo vệ môi trường càng có sức lan tỏa. Tính sáng tạo của mỹ thuật trẻ được thể hiện ở cá tính, phong cách cá nhân, tạo ra nét riêng dù có chung đề tài, chất liệu. Bên cạnh nhiều tác phẩm chứa đựng giá trị nghệ thuật đích thực, hứa hẹn sự bứt phá trong tương lai, dễ dàng nhận thấy một số tác phẩm vẫn bị trùng phong cách thể hiện, tư duy nghệ thuật. Đây là điều thông cảm được, bởi phần đông họa sĩ trẻ mới bước vào con đường sáng tạo. Hy vọng khi ở độ chín của sự nghiệp, mỗi người sẽ tạo dựng được phong cách riêng.

Tạo điều kiện để họa sĩ trẻ thăng hoa

Festival mỹ thuật trẻ là dịp để công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, thưởng thức những tác phẩm tiêu biểu. Tuy nhiên, sức lan tỏa của Festival chưa thật rộng khắp do công tác truyền thông không được đẩy mạnh. Cách thức trưng bày, tiêu chuẩn ánh sáng vẫn chưa đạt đến độ chuyên nghiệp, chưa mang lại khoái cảm thưởng thức cho công chúng.

Ngoài ra, cũng giống như nhiều cuộc thi mỹ thuật khác, sau khi triển lãm kéo dài 10 ngày, các tác phẩm được trả về tác giả mà không có những phiên đấu giá, không có các hoạt động kết nối với nhà sưu tập, cũng như du khách tham quan. Mỹ thuật lâu nay được xem là một ngành công nghiệp văn hóa, họa sĩ gắn bó với nghề, nhất thiết phải sống được bằng tác phẩm. Cho nên yếu tố kinh tế, thương mại không thể bỏ qua. Đó là điều nhiều giám tuyển nghệ thuật cho rằng các đơn vị tổ chức Festival cần rút kinh nghiệm trong những lần tổ chức tiếp theo.

Đề cập đến vấn đề tạo điều kiện sáng tạo cho họa sĩ trẻ, nhất là trong thời gian theo học mỹ thuật chuyên nghiệp, PGS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Quan điểm giảng dạy mỹ thuật là yêu cầu bài tập môn học thì sinh viên phải hoàn thành đúng, đủ. Song, không một nhà trường nào lại hạn chế sự sáng tạo của sinh viên. Hầu hết các họa sĩ tham dự Festival lần này đều là sinh viên hoặc vừa mới tốt nghiệp. Chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên tham gia cuộc thi để thể hiện tài năng, cá tính sáng tạo và xem đó là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng học tập”.

Tài năng, tư duy nghệ thuật của các họa sĩ trẻ Việt Nam hiện nay dễ dàng hội nhập với đời sống mỹ thuật thế giới. Tuy nhiên, tại các triển lãm nghệ thuật thế giới tổ chức định kỳ 2-3 năm/lần (còn gọi là Biennale và Triennale), vẫn chưa có nhiều họa sĩ Việt Nam tham gia. Tạo điều kiện để hỗ trợ họa sĩ trẻ Việt Nam giao lưu ở các sự kiện mỹ thuật, nghệ thật lớn cũng là công việc mà các cơ quan chức năng cần quan tâm. Chỉ khi kết nối với thị trường mỹ thuật thế giới, nắm bắt xu hướng vận động đương đại, mỹ thuật Việt Nam mới có điều kiện vươn mình, đổi mới tích cực.

HÀM ĐAN

 

Tags: mỹ thuật
Lượt xem: 81
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết