• :
  • :

Cú hích cho phim Nhà nước đặt hàng

“Đào, phở và piano” - bộ phim lấy bối cảnh cuộc chiến đấu của những người con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh giữa lòng Hà Nội kéo dài hơn 60 ngày đêm cuối 1946 đầu 1947 vừa trở thành “hiện tượng” của điện ảnh Việt Nam Tết năm nay. Bộ phim đã cho thấy hướng đi mới của phim Nhà nước đặt hàng trong việc tìm lại chỗ đứng và chinh phục công chúng yêu điện ảnh.

Thời gian qua, công chúng đang dành sự quan tâm đặc biệt cho “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Đáng nói là trong nhiều năm trở lại đây, hiếm có bộ phim Việt nào do Nhà nước đặt hàng mà khi công chiếu lại “cháy vé” và tạo nên sự háo hức trông đợi của khán giả lớn đến như vậy.

Ngay sau khi bộ phim kết thúc, ở nhiều rạp, khán giả đã dành cho bộ phim những tràng pháo tay không ngớt, thậm chí có nhiều bạn trẻ đã xúc động rơi nước mắt khi xem phim. Đây là một điều hiếm gặp đối với phim Việt, đặc biệt là những bộ phim do Nhà nước đặt hàng.

Cú hích cho phim Nhà nước đặt hàng
Một cảnh trong “Đào, phở và piano”

Bạn trẻ Minh Ngọc đến từ Hà Nội chia sẻ: “Em đã phải xếp hàng từ nhiều hôm trước để có được cặp vé xem phim. Khi những cảnh cuối cùng của phim vừa chấm dứt, phần lớn khán giả trẻ trong rạp đồng loạt vỗ tay không ngớt dù không phải buổi ra mắt phim, không phải trong liên hoan phim. Điều đó khẳng định không phải lớp trẻ không quan tâm đến lịch sử hay không còn giữ được tinh thần yêu nước giống cha ông ngày xưa. Mà bởi hiếm có điều khơi dậy để chúng em được thể hiện lòng yêu nước đó”.

Lâu nay, công chúng mặc định rằng cứ phim Nhà nước đặt hàng, phim tuyên truyền, phim chiến tranh chỉ chiếu trong các đợt kỷ niệm, dịp lễ lớn rồi “cất kho”. Khán giả đang dần xóa bỏ định kiến này để cởi lòng đón những tác phẩm có giá trị thực sự. Đặc biệt là nhà làm phim cũng đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận vấn đề, xây dựng nhân vật để cho ra đời những bộ phim khai thác đề tài chiến tranh và người lính gần gũi với khán giả. Ở đó, các nhà làm phim chú trọng hơn đến yếu tố con người, mang màu sắc lãng mạn, nhân văn, đa chiều và dễ tiếp cận với khán giả hơn.

“Đào, phở và piano” đã cho thấy hướng đi mới của phim Nhà nước đặt hàng trong việc tìm lại chỗ đứng và chinh phục khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ cho những tác phẩm điện ảnh Việt về đề tài chiến tranh.

Điều cuốn hút ở phim là tinh thần lãng mạn thời chiến của người Hà Nội, đặc biệt là lớp thanh niên và trí thức. Nhân vật trong phim chỉ có hai người có tên, còn lại là họa sĩ, mục sư, bác bán phở… những nhân vật đại diện cho những người con Hà Nội không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo, ở họ đều có phong nhã trong lối sống, nhưng kiên gan bất khuất, can trường sẵn sàng đứng lên bảo vệ Thủ đô khi nguy biến. Hình ảnh một người họa sĩ già đại diện cho lớp trí thức (NSND Trần Lực đóng) hết màu vẽ đã dùng máu của mình tô lên lá cờ Tổ quốc đã truyền niềm rung cảm mạnh mẽ đến người xem. Ở họ có một tâm hồn luôn khát khao tự do và cái đẹp.

Ngay cái tên khá lạ của bộ phim cũng thể hiện ý đồ của đạo diễn. NSƯT Phi Tiến Sơn cho biết, là người sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời ở Hà Nội, từ lâu ông đã mong muốn làm một bộ phim để nói về những điều hay và đặc trưng của mảnh đất này. Hoa đào, phở hay piano chính là những đặc trưng không thể thiếu của Hà Nội xưa. Hoa đào không thể thiếu trong các dịp Tết, phở là món ăn thân quen của người Hà Nội. Còn tiếng đàn piano thánh thót chính là thứ thanh âm đáng nhớ luôn vang lên trong các khu phố tĩnh lặng của Hà Nội.

Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ khi cơ chế, chính sách dành cho điện ảnh cũng dần hoàn thiện. Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua vào năm 2022 chính là hành lang pháp lý quan trọng để điện ảnh Việt Nam có cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

Chia sẻ góc nhìn về phim “Đào, phở và piano”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sự quan tâm của xã hội tới phim Nhà nước, những câu hỏi được đặt ra từ cơn sốt “Đào, phở và piano” là cú hích quan trọng để tạo ra sự thay đổi với phim do Nhà nước đặt hàng.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, các phim do Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất nhưng không có kinh phí phát hành. Trong khi phim muốn chiếu trên toàn quốc cần có quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành. Ngay cả phim “Đào, phở và piano”, hiện nay đã có thêm 2 đơn vị phát hành tư nhân nhận chiếu phim này nhưng là làm miễn phí, phi lợi nhuận, tức là bao nhiêu tiền vé đều trả về ngân sách Nhà nước…

Để tháo gỡ khó khăn cho phim đặt hàng Nhà nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh, cả trực tiếp liên quan và gián tiếp (như về thuế, phí, quản lý, sử dụng tài sản công) để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất và phát hành phim. Cần lưu ý nhiều hơn đến việc sản xuất những bộ phim chất lượng bằng cách hợp tác với các đạo diễn, biên kịch và diễn viên tài năng, có thương hiệu.

Bên cạnh đó, sử dụng tốt hơn các nền tảng truyền thông xã hội, kế hoạch tiếp thị và quảng bá hiệu quả để đảm bảo rằng, các dự án phim Nhà nước được biết đến rộng rãi, thu hút khán giả. Cuối cùng là tạo ra nội dung phim mang tính cảm hứng và phản ánh gần gũi, chân thực về đời sống xã hội, từ đó tạo ra sự quan tâm và kích thích phản hồi từ khán giả.

Phương Bùi

Lượt xem: 7
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...