• :
  • :

“Tình nhạc" kết nối khán giả

Với nhiệt huyết làm sống dậy âm nhạc dân tộc, nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã hợp tác cùng Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần biểu diễn "Chuyện nhạc phố cổ" tại sân khấu của trung tâm (địa chỉ 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm).

Hơn 7 năm qua, sân khấu này là chốn quen thuộc dành cho những du khách yêu mến âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Được mệnh danh là bậc kỳ tài của nghệ thuật cổ nhạc Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Xuân Hoạch chưa bao giờ vơi đi tâm huyết với nghệ thuật dân tộc. Khi được nghệ sĩ Vũ Nhật Tân mời tham gia cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc để tổ chức Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ”, ông đã nhận lời ngay. NSND Xuân Hoạch không chỉ giỏi chế tác nhạc cụ truyền thống từ những vật liệu đơn giản như trúc, ống tre hay vỏ quả bầu nậm, quả dừa, ông còn là người tìm lại “tiếng của cha ông” với sợi dây tơ tằm. Bởi thế, trong những buổi diễn của nhóm, ngồi trên chiếu cói, những thanh âm lúc là cây đàn đáy, đàn nhị, khi là đàn kìm, đàn bầu... qua đôi bàn tay điệu nghệ của NSND Xuân Hoạch dạo đầu cho những lời ca, tiếng hát của những nghệ nhân, nghệ sĩ.

        NSND Xuân Hoạch và NSND Minh Gái trong một buổi biểu diễn. Ảnh: QUANG MINH.

Nhắc đến nhóm Đông Kinh cổ nhạc, hẳn những người yêu nghệ thuật truyền thống sẽ rất ngưỡng mộ bởi nhiều cái tên hàng đầu trong làng kịch nghệ: NSND Thanh Hoài (chèo), NSND Mẫn Thu (tuồng), NSND Minh Gái (tuồng), NSND Xuân Hoạch (xẩm), NSND Mạnh Phóng (hề chèo), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Bình (ca trù), người sắp trò Đàm Quang Minh... Mỗi tháng một lần, “tình nhạc” kết nối họ với nhau, cùng làm việc để chia sẻ những giá trị đẹp của di sản với cộng đồng. Một điểm độc đáo trong các chương trình của nhóm Đông Kinh cổ nhạc là phục dựng nguyên bản không gian trình diễn nhạc xưa, không dùng bất cứ dụng cụ khuếch đại âm thanh nào. Nghệ sĩ đàn hát trực tiếp, giúp toát lên hết vẻ đẹp của âm nhạc cổ truyền, vốn hay ở độ rung, nảy, rền, vang, truyền thẳng xúc cảm đến khán giả. Bên cạnh đó, không ở đâu khác có những nghi lễ hát cổ nhạc, như hình thức ném thẻ của khán giả thưởng cho người hát hoặc chơi đàn hay. Người xem như được hòa mình vào vị trí thưởng thức của người xưa, cảm và thấm được chất dân gian trong âm nhạc cổ truyền.

Ngoài việc được tiếp cận với những nghệ sĩ bậc thầy về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, khán giả cũng được thỏa trí tò mò về những bộ nhạc cụ cổ mà các cụ ông, cụ bà sử dụng xưa kia. Nào đàn dây, bộ phách, trống cơm, nào trống trầu, mõ, đàn nhị, rồi đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn hồ... Mỗi nhạc cụ đều là một câu chuyện dài và thú vị, có hẳn một đời sống riêng trong dòng chảy âm nhạc dân tộc.

NSND Xuân Hoạch chia sẻ: “Không ít người bảo rằng, hát thế này thì chỉ dành cho các ông già, bà già nghe, chứ thanh niên thì họ có nghe đâu. Tôi bảo, không, cứ làm đi, để cho người ta thích mới là điều khó nhất. Tại sao ngày nay, nhiều người trẻ hay đi nghe hát xẩm, hát chèo hoặc hình thức dân gian khác? Chúng tôi không ép, không bắt, mà tìm hướng để kéo họ về với bản ngã của ông cha mình. Trước chúng tôi từng mở chiếu hát xẩm ở chợ Đồng Xuân vào tối cuối tuần, có những em sinh viên xem đều đặn cả tháng. Tôi hỏi: "Xem thế này không chán à?". Họ bảo: "Không phải cháu là người ở quê, nông thôn, mà căn bản cháu thích âm điệu ấy". Đó là điều đáng mừng”.

Góc nhìn của NSND Xuân Hoạch cũng là điều mà những nghệ sĩ trẻ tài năng đến từ các nhà hát dân tộc, những thành viên cũng tham gia trình diễn cùng Đông Kinh cổ nhạc tâm niệm, như NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ Hà Thảo... Họ không chỉ thể nghiệm những điều mới trong nước, mà cũng đem tiếng trúc, tiếng tơ, những làn điệu dân gian, kết hợp nhạc khí hiện đại với nhạc cụ cổ truyền để tạo nên tiếng vang lớn ở các sân khấu nước ngoài, đem hoài bão giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam với bè bạn quốc tế. NSƯT Kiều Oanh (hiện đang công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam) bộc bạch: “Được biểu diễn cùng các bậc thầy trong nhóm Đông Kinh cổ nhạc là sự vinh dự cho tôi. Nghệ thuật thì không có tuổi, càng những nghệ nhân lớn tuổi thì tất cả tinh hoa dồn nén ở họ. Các cô, các chú đã truyền lửa cho tôi động lực, mạnh dạn hơn nữa để bứt phá. Nghệ thuật là sự tìm tòi, song song với đó, tôi vẫn là một nghệ sĩ tuồng, vẫn gìn giữ những điều đã được học bao nhiêu năm trời về nghệ thuật cha ông để lại”.

Có thể nói, suốt những năm qua là quãng thời gian phiêu lưu đầy kỳ thú của các nghệ sĩ Đông Kinh cổ nhạc, thậm chí có thể gọi là giai đoạn thăng hoa đầy lãng mạn trong độ tuổi xế chiều. Họ vẫn hăng hái và bền bỉ trong việc đưa lời ca, tiếng hát và nhạc khí dân gian đến với đời sống xã hội đương đại.

ÁNH NGỌC

Tags: qdnd
Lượt xem: 105
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết