Việt Nam tăng hạng trong Chỉ số Hòa bình toàn cầu năm 2023
Việt Nam tăng 4 hạng lên vị trí 41 trong bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu 2023 do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố.
Viện Kinh tế và Hòa bình, trụ sở chính tại Sydney, Australia, cuối tháng 6 công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2023, xếp hạng mức độ yên bình trong năm qua của 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia cải thiện thứ hạng về chỉ số hòa bình, tăng 4 hạng lên vị trí 41.
Em bé tham gia đại lễ Phật đản tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP Hồ Chí Minh) tối 26-5. Ảnh: vnexpress.net |
Iceland vẫn được đánh giá là quốc gia yên bình nhất thế giới kể từ năm 2008 tới nay, tiếp theo là Đan Mạch và Ireland.
GPI tính toán chỉ số hòa bình toàn cầu theo ba chủ đề lớn: Mức độ an toàn và an ninh trong xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế, và mức độ quân sự hóa. Chỉ số này tính đến các yếu tố nội bộ như tình hình bạo lực và tội phạm trong nước, cũng như các yếu tố bên ngoài như chi tiêu quân sự và chiến tranh.
Chỉ số GPI năm nay cho thấy, 7 trong số 10 quốc gia được coi là yên bình nhất thế giới nằm ở châu Âu, hai nước thuộc châu Á gồm Singapore và Nhật Bản, quốc gia còn lại là New Zealand. Đây là năm có nhiều nước châu Âu lọt vào nhóm 10 quốc gia yên bình nhất. Tính theo khu vực, châu Âu là nơi yên bình nhất thế giới. Tuy nhiên, do căng thẳng với Nga, khu vực này đã kém yên bình hơn so với 15 năm trước.
Việt Nam tăng hạng trong Chỉ số Hòa bình toàn cầu 2023. |
Báo cáo cho thấy, thế giới dường như kém an toàn hơn một chút so với năm ngoái. Tình trạng này cũng xảy ra vào năm 2022 do tác động của đại dịch Covid-19. Báo cáo nhấn mạnh, trong khi một số nước chi tiêu ít hơn cho quân sự, nhiều quốc gia lại tham gia vào các cuộc xung đột bên ngoài.
Số người chết vì các cuộc xung đột trên khắp thế giới trong năm qua cao nhất thế kỷ này. 56% số quốc gia trên thế giới có liên quan tới xung đột ở bên ngoài, cho thấy mức độ quốc tế hóa của xung đột.
Bất ổn chính trị giảm ở 59 quốc gia trong năm qua và cải thiện ở 22 nước. Dữ liệu mới cho thấy, số người chết vì xung đột ở Ethiopia cao hơn Ukraine, vượt qua mức cao nhất toàn cầu trước đó trong cuộc chiến Syria (100.000 người).
Mỹ xếp thứ 131 trong báo cáo GPI. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ giết người ở Mỹ cao gấp 6 lần so với Tây Âu bởi bạo lực súng đạn và căng thẳng chính trị.
Những quốc gia kém hòa bình nhất thế giới vẫn không thay đổi sau nhiều năm. Afghanistan năm thứ 8 liên tục là quốc gia kém hòa bình nhất, tiếp theo là Yemen, Syria, Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Khoảng cách giữa các nước hòa bình nhất và kém hòa bình nhất tiếp tục gia tăng, cho thấy để thay đổi quỹ đạo của một đất nước, thậm chí một khu vực, là rất khó khăn.
NGỌC ANH