Việt Nam đặt phát triển xã hội làm trung tâm của chiến lược phục hồi sau đại dịch Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lùi dần, kinh tế phục hồi nhưng những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu đặt phát triển xã hội làm trung tâm trong các chiến lược phục hồi sau đại dịch.
Hỗ trợ bằng tiền cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 |
Thời điểm cần quan tâm đến yêu cầu phát triển xã hội
Phát biểu tại Ủy ban về các vấn đề xã hội nhân đạo và văn hóa của Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, cho rằng trong khi đại dịch chưa kết thúc, khủng hoảng lương thực và năng lượng, thiên tai như lũ lụt và hạn hán, lạm phát và nợ nần chồng chất, bất bình đẳng gia tăng, khiến cuộc sống của người dân chịu áp lực chưa từng có, đặc biệt là những người sống ở các nước đang phát triển và các nhóm dễ bị tổn thương. Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh đây là thời điểm cộng đồng quốc tế cần đặt phát triển xã hội làm trung tâm của các chiến lược phục hồi để nâng cao tính tự cường, sinh kế bền vững và an sinh của người dân.
Phát triển xã hội bền vững là một mặt của phát triển bền vững và là một nội dung của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, gồm cơ cấu xã hội, điều kiện sống, chất lượng sống của con người, công bằng xã hội và các quan hệ xã hội, các thiết chế và cơ chế quản lý xã hội nhằm đáp ứng bình đẳng nhu cầu ngày càng tăng của con người cả trong hiện tại và mai sau.
Đây là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có chính sách cụ thể để thực hiện, mà giai đoạn đối phó với dịch bệnh Covid-19 là minh chứng cụ thể. Còn nhớ khi dịch bệnh mới bùng phát, trong khi nhiều nước còn đang tính toán thiệt hơn giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại do các biện pháp chống dịch hà khắc, thì Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán”. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là lo cho người dân, nhất là người nghèo, những người thất nghiệp”.
Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội, triển khai các gói hỗ trợ: 62 nghìn tỷ đồng (năm 2020) và 26 nghìn tỷ đồng (2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19. Khoảng 13 triệu người lao động đã được hưởng hỗ trợ theo nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đặc biệt, trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, sự trợ giúp từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc đi thẳng tới người lao động và người sử dụng lao động với khoảng 12 nhóm chính sách khác nhau, với tiêu chí là điều kiện đơn giản nhất, thủ tục đơn giản nhất và làm sao để người dân tiếp cận được nhanh nhất và tăng cường hỗ trợ trực tiếp tiền mặt. Gói hỗ trợ này còn bổ sung thêm đối tượng là lao động tự do, những người bị ảnh hưởng lớn nhất nhưng cũng khó hỗ trợ nhất.
Với sự thấu hiểu và nhận thức rõ những vất vả của nhiều người dân trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội, Chính phủ còn kịp thời đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm bớt khó khăn của người dân. Chẳng hạn như Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền còn khơi dậy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” cùng trợ giúp nhau để không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc. Hàng nghìn tỷ đồng đã được các đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ hỗ trợ kịp thời các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và các địa phương khó khăn. Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 ngay sau khi thành lập và phát động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và đã thu được những kết quả tích cực.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình này.
Bên cạnh việc đề ra mục tiêu phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn, Nghị quyết đã nhấn mạnh ngay đến yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đặt ra yêu cầu trên xuất phát từ thực tế nhiều lao động bị mất việc làm, nghỉ việc không lương do Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2020-2021 cao nhất trong vòng 10 năm qua. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%, khu vực nông thôn là 2,48%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động là 3,1%, trong đó ở khu vực thành thị là 3,33% và ở khu vực nông thôn là 2,96%(8). Thu nhập của người lao động cũng có xu hướng giảm. Năm 2020, thu nhập thực tế bình quân hằng tháng của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019. Năm 2021, thu nhập của người lao động tiếp tục giảm sâu. Mặc dù sự suy giảm thu nhập ở Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng đây là sự thay đổi chưa từng thấy trong thời gian qua khi mà thu nhập thực tế của người lao động Việt Nam luôn tăng hằng năm.
Các yêu cầu trên cũng phù hợp với đi mục tiêu dài hạn của Việt Nam là đạt phát triển xã hội ở mức cao tương đương các nước có trình độ phát triển trung bình cao. Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2021, phần lớn các chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt mức so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam, sau khi tính lại theo phương pháp mới, đã chạm ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện, thuộc nhóm nước có HDI cao. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện và xếp thứ hạng cao (84/189 quốc gia).
Mới đây nhất, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký báo cáo gửi Quốc hội đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Nguyên nhân là do đến nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xuất hiện nhiều biến chủng mới, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là thường trực.
Theo quy định, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 là do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. Trong trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì sẽ được ngân sách nhà nước chi trả.