Vaccine ung thư sẽ sẵn sàng trong 3 năm tới
Đây là lời khẳng định của nhà khoa học Vasily Lazarev thuộc Cơ quan Y tế-Sinh học Liên bang Nga (FMBA). Ông cho biết các trở ngại còn lại chỉ là vấn đề quy định trước khi vaccine được chính thức ra mắt.
Theo ông Lazarev, nếu được hỗ trợ tài chính, các nhà khoa học Nga sẽ có thể cho ra mắt vaccine ung thư trong vòng 2 hoặc 3 năm tới. Ông Lazarev không đề cập tới bất kỳ thách thức y tế hoặc công nghệ nào, thay vào đó ông nêu bật những hạn chế pháp lý mà việc phát triển vaccine phải đối mặt. “Tôi không biết các văn bản dưới luật sẽ được xây dựng nhanh như thế nào, nhưng có thể mất một năm để giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý”, ông Lazarev cho biết. Theo ông, các nhà đầu tư tư nhân trong nước sẽ nhanh chóng bị thu hút bởi công nghệ này “sau khi áp lực pháp lý giảm bớt”.
Các loại vaccine ung thư được thiết kế để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Thông thường, trên bề mặt các tế bào ung thư tồn tại các phân tử được gọi là kháng nguyên đặc hiệu ung thư mà các tế bào khỏe mạnh không có. Khi các phân tử này được đưa vào cơ thể thông qua vaccine, chúng sẽ hoạt động như các kháng nguyên. Chúng sẽ cho hệ miễn dịch biết cần tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư có các phân tử này trên bề mặt.
Các loại vaccine ung thư được thiết kế để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Ảnh minh họa: AFP/Getty Images |
Các nhà phát triển vaccine ung thư đang tập trung nghiên cứu các kháng nguyên đặc hiệu ung thư có thành phần thay đổi. Tuy nhiên chúng lại không hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ pháp lý hiện hành của Nga và không thể được sử dụng trong các phương pháp điều trị ung thư cho đến gần đây. Những sửa đổi do FMBA đề xuất, cho phép sản xuất và sử dụng thuốc/vaccine có "thành phần thay đổi", sẽ có hiệu lực vào tháng 9 năm nay. Song, họ yêu cầu vaccine phải được sản xuất tại cùng một tổ chức nắm giữ bằng sáng chế.
Ông Lazarev cho biết việc tổ chức sản xuất như vậy sẽ khá tốn kém, mặc dù điều đó là khả thi. Hiện tại chỉ có một số cơ sở có thể đáp ứng các yêu cầu sản xuất này, chẳng hạn như Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về ung thư Blokhin hoặc Trung tâm Công nghệ não và thần kinh Liên bang thuộc FMBA, cả hai đều đặt tại Moscow.
Trước đó, tại Diễn đàn Công nghệ tương lai tổ chức ở thủ đô Moscow hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tiết lộ các nhà khoa học Nga “chỉ còn một bước nữa” là bào chế thành công vaccine chống ung thư.
GIA HUY