Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng sân khấu hóa
Sân khấu hóa-đưa pháp luật, kỷ luật lan tỏa sâu rộng vào cuộc sống quân ngũ là cách làm sáng tạo và hiệu quả...
Tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT Quân khu 5 lần thứ XIII năm 2023, bên cạnh các tiết mục hát, múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc... được đầu tư, dàn dựng công phu, có giá trị nghệ thuật cao, những tiểu phẩm, kịch ngắn đậm chất “cây nhà lá vườn” không chỉ tạo nên tiếng cười sảng khoái mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh, đả kích, châm biếm, phê phán những thói hư tật xấu của giới trẻ hiện nay.
Sân khấu hóa-đưa pháp luật, kỷ luật lan tỏa sâu rộng vào cuộc sống quân ngũ là cách làm sáng tạo và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của bộ đội, giúp họ luôn tự tin, phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Vở kịch câm “Chúng tôi đã sai” của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Lữ đoàn Pháo binh 572 tại liên hoan. |
Trong xã hội hiện đại, hủ tục “trọng nam khinh nữ” đã dần bị đẩy lùi, song ở đâu đó, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn có chuyện đàn ông sau khi lấy vợ nếu không sinh được con trai thì khi đi ăn cỗ phải ngồi “chiếu dưới”. Trước thực trạng này, Đoàn Nghệ thuật quần chúng Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông đã dàn dựng, mang đến liên hoan tiểu phẩm “Chuyện nhà anh Kế”, với những tình huống hài hước, gây cười thông minh, dí dỏm, thu hút người xem.
Do bị bố mẹ chỉ trích, ghét bỏ và không phân chia tài sản vì không có con trai, từ một người hiền lành, anh Kế trở nên cộc cằn, thô lỗ, rượu chè, thường xuyên mắng chửi, bắt vợ phải đẻ thêm để có được con trai. Chị Tâm (vợ anh Kế), một sĩ quan Quân đội, đã tìm đủ mọi cách phân trần, lý giải, làm rõ ngọn ngành nhưng anh Kế vẫn xẵng giọng: “Cô hãy thôi ngay ba cái mớ lý thuyết giáo điều đi. Nói hay mà không biết đẻ thì cũng vứt”.
Khi mâu thuẫn lên đến cao trào, đỉnh điểm khiến hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, bất ngờ anh Kế nghe được những lời tâm sự, giãi bày, suy nghĩ của cô Lan hàng xóm, có ông chồng sáng xỉn, chiều say, tuy đã có đủ “ngũ long công chúa” nhưng vẫn bắt vợ phải sinh thêm chàng quý tử. Thấy những tính xấu của mình đang hiện lên rõ nét qua tấm gương phản chiếu là người hàng xóm, anh Kế dần tỉnh ngộ, nhận thức được cái sai của mình. Những tràng pháo tay giòn giã của khán giả có mặt trong đêm diễn là phần thưởng xứng đáng cho tiểu phẩm này.
Tuy không có lời thoại, song bằng những cử chỉ, hành động, ngôn ngữ cơ thể, các diễn viên, nghệ sĩ không chuyên của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Lữ đoàn Pháo binh 572 đã chuyển tải đầy đủ thông điệp của vở kịch câm “Chúng tôi đã sai” đến với người xem.
Sau giờ huấn luyện trên thao trường, lợi dụng sơ hở của chỉ huy đơn vị, 3 chiến sĩ trẻ bí mật rủ nhau vượt rào, thuê xe máy xuống thị trấn uống rượu và tham gia lô đề, cá độ bóng đá. Trên đường trở về, do say rượu, không làm chủ được tay lái, họ tự gây tai nạn, bị thương tích nặng phải nhập viện điều trị. Khi phẫu thuật, các bác sĩ đã "lôi" được rất nhiều thói hư, tật xấu từ trong bụng họ ra ngoài, đó là lén lút uống rượu, bia, hút thuốc lá, sử dụng điện thoại di động, vượt rào, điều khiển xe máy gây tai nạn giao thông, lôi kéo người khác vi phạm kỷ luật...; đồng thời "tiêm" vào người họ những liều thuốc đặc biệt là kiến thức pháp luật, quy định của đơn vị và ý thức, trách nhiệm của quân nhân, qua đó góp phần nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật, kỷ luật Quân đội của mỗi quân nhân.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, tuy mỗi tiểu phẩm, vở kịch có một nội dung, cách thể hiện và dấu ấn riêng, song các tác phẩm đều có điểm chung, đó là sự đổi mới, đột phá mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ tác giả, biên kịch, nghệ sĩ, diễn viên, để những vấn đề gai góc, khô cứng về pháp luật, kỷ luật được truyền tải đến bộ đội và công chúng một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.
Bài và ảnh: AN KHANG