• :
  • :

Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông

Công tác giảm nghèo luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng...

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ giảm từ 5% trở lên trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân tỉnh Đắk Nông.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS sớm được các bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa, tạo thuận lợi để địa phương triển khai thực hiện.

Thoát nghèo nhờ có chính sách phù hợp

Tại xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil), người dân bon Đắk Láp hân hoan khi con đường bê tông phẳng lì dài gần 500m xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được đưa vào sử dụng từ tháng 1-2023.

Ông Y Khôi Niê, 64 tuổi, người dân tộc M’Nông, trú tại bon Đắk Láp cho hay: “Từ khi có con đường mới, việc sinh hoạt, đi lại của chúng tôi thuận tiện hơn rất nhiều”. Được biết, hộ ông Y Khôi Niê hiện trồng gần 500 cây cà phê dây và cà phê vối trên diện tích 1ha, cho thu hoạch trung bình 500kg nhân/năm.

 Lãnh đạo xã Đắk Gằn hướng dẫn diệt rệp trên lá cà phê cho người dân tại bon Đắk Láp.

Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình 5 nhân khẩu thu lãi 50-55 triệu đồng/năm. Để có vườn cà phê như hiện nay, gia đình ông Y Khôi Niê được chính quyền xã Đắk Gằn hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc cây, đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Mil còn cho ông vay 50 triệu đồng để phát triển vườn cà phê.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Viết Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Gằn thông tin: “Đắk Gằn hiện có 500 hộ là đồng bào DTTS với khoảng 2.000 nhân khẩu. Tính đến hết năm 2022, xã đã có thêm 14 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 1% trở lên (hiện còn 44 hộ)”.

Giới thiệu với chúng tôi đàn dê gần 30 con béo tốt, ông Quách Thiện, người dân tộc Mường di cư từ miền Bắc vào năm 2006, trú tại thôn Đắk R'mo (xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song) phấn khởi cho biết, đầu năm 2020, gia đình ông được các đảng viên trong thôn Đắk R'mo hỗ trợ 4 con dê giống sinh sản. Đàn dê đến nay đã mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Cuộc sống của gia đình ông nhờ đó đã ổn định sau nhiều năm là hộ nghèo.

Gia đình ông Quách Thiện là một trong 4 hộ nghèo ở thôn Đắk R'mo được hỗ trợ bởi mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ thoát nghèo” do Huyện ủy Đắk Song triển khai thực hiện từ năm 2020. Kể từ khi triển khai đến nay, mô hình đã giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Huyện Đắk Song xác định sẽ duy trì mô hình trên đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025 và tiếp tục lồng ghép cùng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo tại địa phương, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới.

Cần sớm ban hành định mức hỗ trợ các dân tộc khó khăn  

Tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo và đạt những hiệu quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,26% năm 2015 xuống còn 7,97% năm 2022; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 8,55%. Mục tiêu tỉnh đề ra trong năm 2023 là tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.

 Vợ chồng ông Y Khôi Niê (bon Đắk Láp, xã Đắk Gằn) chăm sóc vườn ngô của gia đình.

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao bởi kết quả giảm nghèo hiện chưa thực sự bền vững. Nguyên nhân do điều kiện KT-XH của tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; tình trạng người dân di cư tự do tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn nhiều hộ di cư từ lâu chưa được bố trí ổn định; nhiều hộ dân là đồng bào DTTS còn tâm lý ỷ lại địa phương, chưa có ý thức thoát nghèo; công tác giảm nghèo ở một số địa phương chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức; một số mô hình giảm nghèo triển khai chưa hiệu quả...

Bên cạnh đó, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi còn gặp vướng mắc như việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình còn chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hằng năm của địa phương.

Đồng chí Trần Văn Phương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Mil cho hay: Năm 2023, huyện Đắk Mil được giao vốn tại Quyết định số 2115/QĐ-UBND ngày 15-12-2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2023 với số tiền là 62,04 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị được giao thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Đắk Mil vẫn chưa được cấp kinh phí, dẫn đến các dự án thuộc chương trình trên bị chậm trễ, chưa thể triển khai.

Ngoài ra, theo đồng chí Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 vẫn còn những điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ như: Định mức và hình thức hỗ trợ các dân tộc khó khăn vẫn chưa được quy định cụ thể; văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của một số bộ, ngành chưa chi tiết, bị chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; địa phương chưa được phân bổ nguồn vốn sự nghiệp phục vụ chương trình giai đoạn 2021-2025...

Bài và ảnh: LÊ HIẾU

Tags: Đắk Nông
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...