• :
  • :

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo chính đáng của văn nghệ sĩ

Quyền tự do sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tôn trọng, tạo thêm những điều kiện và không gian cho các văn nghệ sĩ, giúp văn học, nghệ thuật (VHNT) phát triển.

Tuy nhiên, không thể có sự tự do sáng tác “vô bờ bến”, “thích gì viết nấy”, càng không thể lợi dụng quyền tự do sáng tạo làm phương hại lợi ích của đất nước, của nhân dân, quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của tập thể và cá nhân. Đó là khẳng định của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự do sáng tạo VHNT?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Tự do sáng tạo là vấn đề không mới trong VHNT. Tùy theo lăng kính của mỗi cá nhân, tập thể, giai cấp, nền văn hóa,... tự do sáng tạo được nhận thức và diễn giải khác nhau.

Theo các nhà kinh điển mác-xít, VHNT là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, phân biệt với các tư tưởng duy tâm, siêu hình về bản chất của văn nghệ. Từ nguyên lý này sẽ suy ra các phạm trù quan trọng như tính giai cấp, tính đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, tính đại chúng, tính phổ quát ở tầm nhân loại của VHNT.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ (ngoài cùng, bên trái) trao tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đối với các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2019.Ảnh: HÀM ĐAN 

Tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ nước ta đã nhận ra nguồn sáng của dân tộc, của những gì soi sáng trang viết mình từ năm 1930, khi Đảng ra đời; từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943); từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai và Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (tháng 7-1948) cho đến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước nhiều năm qua.

Văn nghệ sĩ hiểu rằng, Đảng ta “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích nào khác” như lời Bác Hồ từng phát biểu. Văn nghệ sĩ không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa mà nhiều người còn cầm súng chiến đấu và hy sinh như chiến sĩ nơi chiến trường ác liệt. Thành tựu của VHNT cách mạng sâu xa có nguồn gốc từ lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống văn hóa dân tộc và trực tiếp là nhờ định hướng đúng đắn từ đường lối của Đảng.

Đảng ta luôn tổng kết thực tiễn, hoàn thiện, bổ sung chủ trương, đường lối. Riêng với VHNT, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về văn hóa, VHNT, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 23 khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 23 đó là “tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ”. 

Chủ trương của Đảng về tự do sáng tạo VHNT rất rõ ràng, cởi mở. Chủ trương đó đã được thể chế hóa, cụ thể hóa thông qua một số văn bản pháp luật liên quan đến văn hóa, VHNT. Về cơ bản, cũng như bao lĩnh vực khác, trừ những điều pháp luật cấm, văn nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo.

PV: Trong quá trình sáng tạo, phổ biến tác phẩm VHNT, một số văn nghệ sĩ vẫn vô tình hoặc cố ý vi phạm những điều pháp luật không cho phép. Sau khi bị cơ quan chức năng xử lý thì lại phản ứng, cho rằng can thiệp vào quyền tự do sáng tạo của họ. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi nghĩ những quy định pháp luật liên quan đến VHNT đã có rất nhiều điều tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ. Một số điều mang tính ràng buộc bởi lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân thì cũng quy định rõ ràng, công khai, minh bạch. Đã là văn nghệ sĩ chân chính, dù ở bất cứ xã hội nào, trước hết phải là một công dân có ý thức trách nhiệm với xã hội.

Hiện nay, quyền tự do sáng tác, quyền tự do biểu đạt trong tác phẩm VHNT trên thế giới rất được xem trọng nhưng không bao giờ có sự tự do tuyệt đối. Nếu tác phẩm tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín, danh dự của cộng đồng thì đều bị lên án, xử lý theo nhiều hình thức phù hợp. Điều này ở các nước cũng làm như thế. Không ai được tách mình ra khỏi xã hội, những quy ước, quy định của xã hội.

Không bao giờ có chuyện bỗng dưng dư luận xã hội, cơ quan chức năng lại mất thời gian, công sức để tâm, lên tiếng, xử lý những người có tác phẩm VHNT “có vấn đề”. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, văn nghệ sĩ trước tiên cần xem lại thật kỹ tác phẩm của mình có vi phạm những quy định cấm của pháp luật; có vi phạm những giá trị chuẩn mực của cộng đồng; đã thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục, quy trình sản xuất, phổ biến, lưu hành tác phẩm hay chưa?

Chẳng hạn, có những nhà văn viết xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc, bôi nhọ anh hùng dân tộc, phủ nhận máu xương của bao thế hệ đã đổ xuống vì độc lập, tự do, khi bị dư luận phản ứng gay gắt, cơ quan chức năng xử lý thì “lái” vấn đề liên quan đến tôn trọng quyền tự do sáng tác, vu cáo rằng quyền tự do sáng tác bị xâm phạm thì đó chỉ là ngụy biện, vu cáo mà thôi.

Một sự ngụy biện khác thỉnh thoảng lại xuất hiện mà chúng ta đều biết: Lý giải nguyên nhân không có tác phẩm VHNT lớn là do có quá nhiều quy định cấm đoán, hạn chế! Nếu tìm hiểu VHNT các quốc gia hồi giáo thì các quy định cấm của họ là rất ngặt nghèo, nhưng họ vẫn có nhiều tác phẩm VHNT giá trị.

Tác phẩm VHNT lớn ra đời phụ thuộc chủ yếu vào tài năng cá nhân văn nghệ sĩ, không liên quan đến vấn đề tự do sáng tạo, nhất là cái gọi là “tự do sáng tạo tuyệt đối”.

PV: VHNT là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, nhiều vấn đề nhạy cảm rất khó phân định rạch ròi. Theo ông, cần có giải pháp nào để tiếp tục bảo đảm quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Đời sống xã hội ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào cũng có mặt tốt, mặt xấu. Tôi cho rằng, trước đây có những sự kiện, vấn đề được cho là “nhạy cảm” nhưng nay nhờ sự lùi xa của thời gian, chúng ta có đủ bản lĩnh, kiến thức, tư duy biện chứng để nhìn lại thì thấy không còn “nhạy cảm” nữa.

Chẳng hạn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta cũng có lúc, có nơi, có cấp, có cơ quan mắc phải những sai lầm, khuyết điểm và đã chân thành, nghiêm túc thừa nhận, nỗ lực khắc phục hậu quả. Nếu văn nghệ sĩ nào sáng tác về một số chủ đề “nhạy cảm” trên tinh thần xây dựng, rút ra bài học kinh nghiệm để tránh lặp lại sai lầm, tôi nghĩ cũng có tính tích cực, ít hoặc nhiều. Còn nếu lợi dụng sai lầm xưa cũ để bới móc, thóa mạ, có cái nhìn hằn học, tìm cách bôi nhọ, kích động, chống phá sự nghiệp cách mạng thì người đó, tổ chức đó đã trượt sang phạm trù pháp luật rồi.

Về bảo đảm quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, tôi cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, quy định đạo đức nghề nghiệp, phân loại độ tuổi công chúng tiếp nhận tác phẩm VHNT thật sâu, thật kỹ, thật minh bạch.

PV: Với tư cách là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Ban Bí thư Trung ương Đảng về VHNT, khi có những sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Văn nghệ sĩ vốn có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhiều khi sống dựa vào cảm xúc, kể cả những việc, sự kiện ngoài văn nghệ.

Do đó cân bằng, hài hòa giữa lý trí và cảm xúc là việc không dễ. Có thể như thế mà một số văn nghệ sĩ quá đề cao cái tôi, xem sáng tạo là cuộc chơi cá nhân, đôi khi chạy theo cách tân đổi mới quá đà, không phù hợp với công chúng, với thuần phong mỹ tục, kể cả pháp luật. Và cũng có một số ít văn nghệ sĩ do bị tác động cách này, cách khác, lúc này, lúc kia, bị động hay chủ động a dua với những điều không tốt, thậm chí tham gia, ủng hộ cho các thế lực cơ hội, thù địch.

Quan điểm của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương là khi xuất hiện sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cần tìm hiểu kỹ, trực tiếp thẩm định tác phẩm và có thể gặp gỡ tác giả. Chúng tôi không vội vàng quy chụp mà tiếp cận vấn đề một cách khách quan, khoa học, đặt trong mối quan hệ biện chứng, lịch sử, cụ thể. Từng vụ việc, từng vấn đề sẽ có cách xử lý linh hoạt, thấu tình đạt lý.

Chúng tôi luôn bình tĩnh tìm hiểu trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, cần phải xác minh, làm rõ đâu là hiện tượng, đâu là bản chất. Chẳng hạn, góc nhìn, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm được thể hiện, phản ánh như thế nào? Dụng ý tác giả ra sao, tích cực hay tiêu cực, có động cơ cá nhân theo lối ác ý không?...

Quan điểm chung là tôn trọng tự do sáng tác, tự do góp ý phê bình của văn nghệ sĩ, phong cách sáng tạo độc đáo. Tuy nhiên, mọi sự tự do đều nằm trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Tags: qdnd