• :
  • :

Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào nhân lực nước ngoài để giải “cơn khát” lao động

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực. Điều này tạo ra những thách thức về sản xuất và khiến nhiều ngành công nghiệp ở nước này phải dựa vào lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống.

Theo Tân Hoa xã, ông Ugur Eroglu, Giám đốc bán hàng tại Egece Metal, một công ty Thổ Nhĩ Kỳ có 64 nhân viên lao động chân tay tại thành phố Istanbul, cho biết, thanh niên nước này không mấy hứng thú với công việc lao động chân tay trong những năm gần đây. Họ có xu hướng thích những công việc có địa vị cao hơn trong xã hội. Trong 5 năm qua, ít nhất 90% đơn xin việc vào công ty của ông đến từ những ứng viên nước ngoài và chỉ có khoảng 10% từ người dân địa phương. “Hiện tại, khoảng 40% lực lượng lao động của chúng tôi là lao động nước ngoài, chủ yếu là người Syria, Afghanistan và những người có quốc tịch khác đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Eroglu cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào nhân lực nước ngoài để giải “cơn khát” lao động. Ảnh minh họa: Reuters

Theo bài viết trên memurlar.net, một trang tin tức chuyên về việc làm, mức lương ở nhiều lĩnh vực tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh để thu hút lao động bản địa có trình độ. Người vận hành cần cẩu trong ngành xây dựng có thể kiếm được hơn 120.000 lira Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 3.500USD) một tháng. Trong ngành dệt may, thợ ủi lành nghề kiếm được gấp 2-3 lần mức lương tối thiểu hằng tháng là 17.002 lira. Trong ngành công nghiệp nặng, công nhân có kinh nghiệm kiếm được 70.000-80.000 lira. Tuy nhiên, bất chấp mức lương cao như vậy, các lĩnh vực này vẫn phải vật lộn để thu hút lao động bản địa.

Bà Muberra Eresin, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng thách thức lớn nhất trong ngành dịch vụ khách sạn là tình trạng thiếu hụt nhân sự có tay nghề. Hiện trong lĩnh vực này có khoảng 22.000 lao động nước ngoài, trong khi nhu cầu thực tế là khoảng 100.000 lao động. Bà Eresin cho rằng việc cho phép sinh viên nước ngoài làm việc bán thời gian có thể giúp giải quyết vấn đề này. Về phần mình, ông Ahmet Eyyupoglu, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng người Syria và Afghanistan hiện chiếm 80% lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp của nước này, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi. Ông Eyyupoglu cảnh báo rằng nếu những lao động nước ngoài này rời đi, điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ của ngành chăn nuôi gia súc trong nước.

TÚ ANH

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...