Thận trọng khi đăng ký ngành học có điểm đầu vào cao chót vót
Đa dạng phương thức xét tuyển mới, được đăng ký nguyện vọng không giới hạn là một trong những lý do khiến học sinh đổ xô ngành có sức hấp dẫn (ngành “hot”) ngày càng nhiều.
Điều này không sai, tuy nhiên các em cần thận trọng khi đặt nguyện vọng đăng ký bởi nguy cơ trượt cao khi những ngành này dự kiến điểm trúng tuyển sẽ gần như tuyệt đối.
Cạnh tranh cao ở phương thức xét tuyển mới
Mùa tuyển sinh năm 2024, một số trường đã công bố bỏ phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông (THPT) như Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Nha Trang... Số thí sinh đạt mức điểm IELTS từ 7.5-8 đã trở nên phổ biến, thế nên việc kết hợp sử dụng chứng chỉ này với kết quả thi tốt nghiệp THPT cánh cửa đã hẹp hơn trước. Đây cũng là lý do nhiều trường ĐH lớn từ năm nay có thêm phương thức tuyển sinh những thí sinh có chứng chỉ SAT (bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội và tư duy logic) hoặc ACT (đánh giá kỹ năng trong các lĩnh vực như Tiếng Anh, Khoa học, Toán học và đọc hiểu). Các chứng chỉ này được các trường ĐH trên thế giới sử dụng để xét tuyển. Trong số 20 trường ĐH ở Hà Nội công bố dành chỉ tiêu xét tuyển những chứng chỉ này thì ĐH Bách Khoa Hà Nội đặt điều kiện cao nhất là 1.450/1.600 điểm, còn lại phổ biến từ 1.100 điểm trở lên.
Thí sinh dự kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội |
Không ít học sinh mới vượt qua kỳ thi vào lớp 10 đã chuẩn bị để tiếp tục theo đuổi những chứng chỉ quốc tế. Em Nguyễn Thùy Minh, học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Em đã bắt đầu theo học các chứng chỉ quốc tế IELTS, SAT. Các hình thức xét tuyển khá khốc liệt và số lượng học sinh cạnh tranh cũng rất nhiều nên từ năm học lớp 10 em đã phải xác định mình muốn theo ngành nghề nào. Từ đó xem các điều kiện xét tuyển vào các trường có ngành nghề đó để chuẩn bị các chứng chỉ vào được ngôi trường mình mong muốn”. Còn với Nguyễn Hoàng Yến, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) sau bao năm đầu tư thời gian và công sức mãi đến lớp 12, sau 4 lần thi SAT, em mới đạt kết quả mong muốn là hơn 1.300 điểm.
Sự cạnh tranh của thí sinh sử dụng kết quả SAT cũng khá cao. Nếu như chỉ cần 1.200 điểm, thí sinh đã đủ điều kiện du học thì mức trên 1.300 điểm của Hoàng Yến chưa phải đã an toàn để xét vào những trường thuộc hàng top của Việt Nam. Theo đại diện Trường ĐH Ngoại thương, điểm SAT từ 1.400 đến 1.420 trở lên mới là mức điểm an toàn để xét tuyển vào trường, với điều kiện điểm IELTS cũng phải từ 7.5 điểm trở lên. Còn ĐH Bách khoa Hà Nội thì chỉ dành 5% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng các chứng chỉ quốc tế, trong đó điểm SAT để tuyển vào ngành khoa học máy tính của trường là từ 1.500 điểm. Như vậy, cửa có ít thí sinh cạnh tranh không hề dễ dàng.
Cẩn trọng đặt nguyện vọng ngành “hot”
Chính sách tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội những năm gần đây là giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu cho xét kết quả thi đánh giá tư duy, giữ nguyên chỉ tiêu xét tuyển tài năng. Năm 2024, với 20% trên 9.260 chỉ tiêu tuyển sinh (tương đương 1.852 chỉ tiêu) trường dành cho phương thức xét tuyển tài năng nhưng có tới gần 5.000 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ “chọi” giữa những thí sinh tài năng vào những ngành hot của ĐH Bách khoa Hà Nội cao chưa từng có. Đây cũng phương thức mà ĐH Bách Khoa Hà Nội đang hướng đến để tiếp cận phương thức tuyển sinh của các trường ĐH lớn ở trên thế giới, tạo sự hứng thú cho thí sinh.
PGS, TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh-Hướng nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: “5 ngành hot năm nay của ĐH Bách khoa Hà Nội có lượng thí sinh đăng ký tăng 300-500% so với chỉ tiêu như IT1 (Khoa học máy tính), IT2 (Kỹ thuật máy tính), EE2 (Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa), ET1 (Kỹ thuật điện tử viễn thông) và MS2 (Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano). Do đó, dự báo điểm trúng tuyển sẽ rất cao, gần như tuyệt đối”.
Là giám khảo phỏng vấn trực tiếp thí sinh tham dự phương thức xét tuyển tài năng, TS Nguyễn Thái Tất Hoàn, giảng viên Trường Cơ khí cho hay, các thí sinh tham dự phương thức này đều có năng lực tốt. Tuy nhiên, một số thí sinh sắp xếp thứ tự nguyện vọng không hợp lý, đặt ngành có điểm cao hơn lên trước hoặc đặt cả 2 nguyện vọng đều là những ngành “siêu hot” có thể làm giảm cơ hội trúng tuyển vào trường. Do đó, các thầy cô cũng định hướng thí sinh lựa chọn những ngành gần hoặc gợi ý tham khảo một số ngành khác phù hợp với tính cách, thành tích thí sinh đã tích lũy ở các cấp học dưới.
Điểm chuẩn trúng tuyển trình độ ĐH theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT của Trường ĐH Luật Hà Nội vừa công bố cho thấy tất cả các ngành học đều từ mức 26,76 điểm trở lên. Ngành học có điểm chuẩn cao nhất là Luật Kinh tế (đào tạo tại cơ sở Hà Nội). Riêng 2 tổ hợp xét tuyển A00 và A01 có điểm trúng tuyển cao nhất vào ngành học này, đạt tới mức 30 điểm.
Lý giải về điều này, ông Phạm Hoài Điệp, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay, năm 2024, đối với việc xét tuyển sớm theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT, nhà trường cho phép các thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng với nhiều ngành, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm tăng cao nên số thí sinh có kết quả học tập bậc THPT tốt, nhiều thí sinh có nhiều thành tích học tập cao đã đăng ký xét tuyển vào trường. Đây cũng là lý do khiến điểm xét tuyển của các ngành/các tổ hợp xét tuyển vào trường rất cao.
Khác với quan niệm nhiều người, giờ vào ĐH dễ hơn trượt hoặc không đỗ trường này cũng đỗ trường khác nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Tuyển sinh ĐH hiện muôn hình vạn trạng, có nơi rất dễ, nhưng nhiều trường, nhiều ngành thí sinh thi được vào cũng “trầy da tróc vẩy” vì mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Bài và ảnh: THU HÀ