Chăm lo cho trẻ em bằng những hành động thiết thực
Thời gian qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, góp phần vun đắp những mầm xanh tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Bên cạnh những việc chúng ta đã làm được cho trẻ em là chủ đạo, vẫn còn tồn tại những bất cập, cần các hành động, giải pháp phù hợp, thiết thực để công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa. Báo Quân đội nhân dân ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.
Bà NGUYỄN THỊ THANH HÒA, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Rà soát hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cho trẻ em và công tác tổ chức thực hiện đã đạt được nhiều kết quả như: Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường mẫu giáo đạt gần 100%... nên có thể nói, trẻ em Việt Nam đã được quan tâm để phát triển toàn diện, an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, tôi nhận thấy còn một số tồn tại hiện nay, như: Tỷ lệ trẻ 3-4 tuổi được đi học mầm non chưa cao; trẻ suy dinh dưỡng ở vùng sâu, vùng xa và trẻ béo phì ở thành phố, thị xã còn cao; nạn xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn biến phức tạp; tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước đang ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Một vấn đề nữa cũng khá lo ngại, mà theo điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, có tới 1/5 thanh, thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần ở dạng lo âu, căng thẳng, giảm chú ý, trong khi đó nhận thức về vấn đề này ở cha mẹ các em còn hạn chế, đa phần không coi đó là vấn đề tâm thần, cần điều trị. Mặt khác, dịch vụ trợ giúp, tư vấn, điều trị còn ít và mức giá khá cao. Vấn đề bạo lực học đường cũng là điều đáng lo ngại khi nhiều bạn học là người chứng kiến, quay phim, chụp ảnh nhưng không có động thái can thiệp hoặc báo thầy, cô giáo, thậm chí còn tán phát lên internet...
Tiết mục văn nghệ của các em thiếu nhi tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai (năm 2022-2023) do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: PHẠM HƯNG |
Theo tôi, để thúc đẩy công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em, chúng ta cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chương trình quốc gia vì trẻ em. Phải coi đây là nhiệm vụ được ưu tiên bố trí ngân sách và các vấn đề về trẻ em cần phải được lồng ghép trở thành một tiêu chí trong các mục tiêu về kinh tế, xã hội; ưu tiên phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, dịch vụ tư vấn học đường và phát triển khu vui chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động các cấp, các ngành, các cơ quan, báo chí, cộng đồng dân cư, nhà trường, đặc biệt là trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi gia đình để chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Mặt khác, chúng ta cần ứng dụng công nghệ số trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em để có cơ sở, dữ liệu, thống kê đúng thực tế thì mới có giải pháp phù hợp.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã lắng nghe, thu thập ý kiến của trẻ em để tham gia góp ý, tư vấn với các cơ quan nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em. Mới đây nhất, chúng tôi đã tham gia góp ý về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Quốc hội đang thảo luận. Đồng thời, chúng tôi tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em; phát biểu chính kiến và có kiến nghị với từng vụ việc cụ thể. Những vụ việc xử lý chưa đúng, chúng tôi tư vấn cho gia đình và gửi văn bản đến cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng thực hiện truyền thông và vận động các nguồn lực xã hội để thực hiện các quyền trẻ em, hy vọng cùng cơ quan chức năng đem đến cho các em những điều tốt nhất.
KIM DUNG (ghi)
-----------
Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Dành những điều kiện tốt nhất, chăm lo chu đáo cho thiếu nhi
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống vui tươi, an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều trẻ em ở miền núi, vùng cao, trẻ em dân tộc thiểu số chưa có đủ điều kiện để tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế có chất lượng cao, chưa được bảo đảm tốt về dinh dưỡng. Trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành và xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ đã khiến rất nhiều trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin xấu độc trên internet; tình trạng trẻ em thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn còn khá phổ biến... Thực trạng đó cho thấy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước.
Trẻ em ở mỗi địa phương, mỗi vùng, miền có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, kéo theo đó là môi trường sống, năng lực, trình độ học tập của các em cũng khác nhau. Chính vì vậy, sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng cần khác nhau. Như với các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số thì chúng ta cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, điều kiện học tập, điều kiện sinh hoạt, dạy và học. Còn trẻ em ở những vùng có điều kiện tốt hơn thì chúng ta lại cần quan tâm đến đời sống tinh thần, đó là khắc phục tình trạng thiếu nơi vui chơi, giải trí an toàn, bổ ích, nhất là trong dịp hè, để trẻ em thành phố tránh xa thiết bị điện tử, từ đó ngăn chặn những thông tin không lành mạnh trên môi trường mạng gây ảnh hưởng về tâm sinh lý đối với các em. Nếu được quan tâm, chăm sóc đúng hoàn cảnh sẽ khuyến khích, tạo động lực để các em tự tin, vươn lên trong học tập.
Để làm được việc đó, rất cần sự quyết tâm với những nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của toàn dân, mà ngành giáo dục có vai trò nòng cốt. Trong đó, tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề như tình trạng thiếu cơ sở giáo dục, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; giáo viên xin thôi việc, bỏ việc, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông; hiện tượng giáo viên có những hành vi không đúng mực đối với trẻ em. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục cho trẻ em kỹ năng sống, trang bị khả năng tự bảo vệ mình trước những hiểm họa như ma túy học đường, đuối nước, trò chơi bạo lực...
HUYỀN TRANG (ghi)
-----------
Thầy giáo LÝ VĂN THƠ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn)
Luôn quan tâm đến học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa có đa số học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, do quãng đường từ nhà tới trường xa nên nhiều em phải ở lại nội trú. Trong những năm qua, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm xây dựng môi trường học tập và ứng xử văn hóa cho học sinh. Bên cạnh bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất như lớp học, nơi ăn, chỗ ở cho các em, chúng tôi cũng quan tâm và giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho các em học sinh người dân tộc thiểu số. Trong cuộc sống, các thầy, cô giáo thường xuyên chăm lo cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ đến những sinh hoạt hằng ngày. Ngoài những giờ dạy chính khóa trên lớp, nhà trường còn phân công các thầy, cô dạy phụ đạo cho các em học yếu để theo kịp chương trình học. Không chỉ dạy các em về kiến thức, các thầy, cô còn rèn cho học sinh ở nội trú sinh hoạt theo đúng nền nếp, nội quy, thời gian biểu mà nhà trường xây dựng. Từ đó, giúp các em biết sắp xếp thời gian học tập, lao động hợp lý và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục-thể thao...
Thấu hiểu tâm lý của các em khi phải sống xa gia đình, các thầy, cô còn thường xuyên sẻ chia, tư vấn, động viên, giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà. Trong trường, hầu hết các thầy, cô giáo đều biết tiếng dân tộc, khi cần, các thầy, cô sử dụng tiếng dân tộc để tâm sự, chia sẻ với các em. Nhờ tổ chức chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh nên thời gian qua, sĩ số học sinh đến lớp thường xuyên của nhà trường luôn đạt tỷ lệ cao. Học sinh quen với nếp sống có tổ chức, ý thức kỷ luật, trách nhiệm với tập thể, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.
ĐỨC THỊNH (ghi)