Sáng kiến tuyên truyền ngăn chặn ma túy len lỏi vào học đường
Để học sinh nhận diện và tránh xa ma túy, mỗi năm học, trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại có một sáng kiến để đổi mới công tác tuyên truyền. Dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh và khéo léo lồng ghép vào các tiểu phẩm, kịch, chương trình tuyên truyền đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Ngày 30/10, trường THCS Nguyễn Du đã tổ chức hoạt động Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11/2023 với chủ đề Phòng chống tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử. Hoạt động đã thu hút sự quan tâm, tương tác sôi nổi của hơn 1.000 học sinh toàn trường.
Học sinh sôi nổi tương tác, thể hiện hiểu biết của mình về những hiểm họa của ma túy, thuốc lá điện tử |
Chia sẻ chương trình, Trung tá - ThS Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Trưởng khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I chia sẻ: Hiện nay, ma túy, thuốc lá điện tử dưới nhiều dạng thức khác nhau đã len lỏi vào học đường. Chúng được ngụy trang vô cùng tinh vi. Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, giống như thỏi son, ổ đĩa, bút, móc khóa, đồ chơi… Trong khi đó, nhiều loại ma túy len lỏi vào trường học dưới tên gọi "nước vui", "bùa lưỡi", "khô gà"...
Các giảng viên của khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I chia sẻ với học sinh |
Những hiểm họa mà nó gây ra là vô cùng nghiêm trọng. Một bộ phận không nhỏ người trẻ sử dụng các chất liên quan đến ma túy, ban đầu xuất phát từ những lý do rất đơn giản như "thấy hay hay, lạ lạ, thử cho biết", "nghe bạn rủ rê", hút thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười... Sử dụng lâu thành quen, rồi muốn tăng liều, dần dần có những người vướng vào ma túy từ lúc nào không hay.
Để các học sinh trường THCS Nguyễn Du nhận diện được các loại ma túy, thuốc lá điện tử cùng những hiểm họa khôn lường mà nó gây ra, các cán bộ chiến si thuộc khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I đã chia sẻ với các em nhiều kiến thức bổ ích.
Các cán bộ chiến sĩ phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I Giúp học sinh nhận diện được các loại ma túy, thuốc lá điện tử... |
Không chỉ giúp các em nhận biết một số chất ma tuý thường gặp như heroine, ketamin, methamphetamin, thuốc lắc…; hiểu được tác hại của ma tuý và thuốc lá điện tử, các báo cáo viên còn hướng dẫn học sinh cách phòng tránh khi bị đối tượng dụ dỗ, lôi kéo tham gia hoạt động phạm tội về ma túy.
Nhấn mạnh các quy định pháp luật nghiêm khắc với hành vi vi phạm liên quan đến ma túy sẽ bị xử lý với nhiều hình thức tăng nặng khác nhau, các giảng viên đã dẫn lại những tình huống trong các vụ việc do thiếu hiểu biết dẫn đến phạm pháp của một số đối tượng trong các vụ án đã xảy ra.
“Thực tế, đã có rất nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tệ nạn ma túy ở độ tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí có chiều hướng gia tăng với các hành vi chủ yếu như: hút thuốc lá điện tử, sử dụng cỏ Mỹ, thuốc lào Ả Rập… Do vậy, học sinh cần nhận diện, tác hại và tuyệt đối không nên có suy nghĩ thử một lần cho biết mà cần phải tránh xa”, Đại uý - ThS Tạ Thị Lan Hương, giáo viên chính khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I nêu rõ.
Tại chương trình tuyên truyền sáng 30/10, hơn 1.000 học sinh không chỉ được tương tác trực tiếp với báo cáo viên, thể hiện sự hiểu biết của mình về pháp luật mà có tiểu phẩm đặc sắc để thể hiện góc nhìn riêng, trực tiếp bày tỏ thái độ của mình trước hiểm họa ma túy, thuốc lá điện tử.
Trường THCS Nguyễn Du luôn chủ động, sáng tạo đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với từng lứa tuổi |
Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cho biết: Thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao nhận thức của học sinh, thanh - thiếu niên về tác hại của ma túy. Qua đó, nhà trường vận động học sinh tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm đồng thời tổ chức cho học sinh, cam kết "nói không với ma túy”.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhà trường đã luôn chủ động, sáng tạo đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với từng lứa tuổi; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập huấn, thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma túy, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… cảnh báo về tác hại và hậu quả của tệ nạn ma túy.