• :
  • :

Sáng đèn lớp học bên sông

Những con người đã qua nửa đời người vẫn ngày ngày kiên trì học chữ, vượt sông, vượt núi để mong thoát khỏi bóng tối mù chữ đeo đẳng cả đời.

Các học viên dù đã cao tuổi nhưng rất nỗ lực đến lớp đều đặn.
Các học viên dù đã cao tuổi nhưng rất nỗ lực đến lớp đều đặn.

Những lớp học không tiếng trống

Trong ánh sáng vàng vọt của những bóng đèn đơn sơ, chị Lộc Thị Ngân (sinh năm 1978), người dân tộc Nùng, ở thôn Bản Mè, xã Thiện Hoà, tỉnh Lạng Sơn vẫn chăm chú nắn nót từng nét chữ. Gương mặt chị ánh lên sự quyết tâm. Đôi tay từng chỉ quen cầm cuốc, cầm liềm giờ đang tập cầm bút với nhiều hy vọng.

“Trong thôn giờ nhiều người biết đọc, biết viết, biết tính toán. Mình không biết thì lạc hậu lắm. Giờ tôi có thể viết tên, đọc được một vài dòng đơn giản khi làm thủ tục hành chính, không cần phải điểm chỉ như trước nữa. Tôi vui lắm”, chị Ngân chia sẻ.

Cũng giống như chị Ngân, anh Hoàng Văn Quảng (sinh năm 1972), người dân tộc Nùng, ở cùng thôn, nay đã ngoài 50 tuổi mới lần đầu biết đến con chữ. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo, nhà lại xa trường, thuở nhỏ anh chưa từng được đi học. Suốt nhiều năm anh chỉ biết làm nương, làm rẫy, sống bằng lao động chân tay. Khi nghe xã mở lớp xóa mù chữ, anh liền đăng ký ngay.

“Tối tối dù phải lội qua sông, đi đường rừng, tôi vẫn đi học đều. Chỉ mong biết chữ, biết số, không còn lạc hậu với xã hội”, anh Quảng nói.

Lớp học xóa mù chữ tại thôn Khuổi Mè và Bản Mè bắt đầu từ tháng 7/2024, do trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ tổ chức, với tổng số 30 học viên – 100% là người dân tộc Nùng.

Điểm đặc biệt ở đây là lớp học không chia theo lứa tuổi mà chia theo trình độ tiếp thu. Người cao tuổi nhất đã 60, nhỏ tuổi nhất cũng đã gần 40. Tất cả đều chưa từng được đi học, nói tiếng phổ thông còn hạn chế.

“Học viên ở đây phần lớn là lao động chính, ban ngày đi làm ruộng, nương rẫy, tối tranh thủ đến lớp. Vì vậy lớp học tổ chức buổi tối, mỗi ngày 8 tiết học. Mùa vụ thì giảm tải và giao bài về nhà”, thầy Hứa Văn Mười, giáo viên phụ trách lớp học cho biết.

Khó khăn lớn nhất không phải là tinh thần học mà là… con đường đến lớp. Bản Mè và Khuổi Mè nằm hai bên bờ sông, chưa có cầu bắc qua. Mỗi khi đến lớp, học viên phải lội sông hoặc đi bè mảng. Mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, lớp học buộc phải nghỉ vì không thể qua lại.

“Chúng tôi chỉ mong sao có một cây cầu kiên cố bắc qua sông, để bà con yên tâm đến lớp mỗi ngày, nhất là mùa mưa lũ”, thầy Mười nói thêm.

ngay-hoi-giao-luu-toan-tieng-viet-cho-hoc-vien-xoa-mu-chu.jpg

Ngày hội giao lưu Toán Tiếng Việt cho học viên xoá mù chữ.

Cắm bản gieo chữ

“Giáo viên đứng lớp đều là người có chuyên môn, giao tiếp được bằng tiếng dân tộc Nùng. Vì người học không nói được tiếng phổ thông, nên phương pháp truyền đạt cũng phải phù hợp, vừa dạy vừa diễn giải, vừa nói vừa minh họa. Có khi phải dạy bằng cả trái tim”, ông Lâm Văn Vản – Phó Hiệu trưởng chia sẻ.

Do trường cách trung tâm xã hơn 7km, giao thông đi lại khó khăn, phần lớn giáo viên phải ở lại tại trường, hy sinh thời gian nghỉ hè để duy trì lớp học.

Dù gặp muôn vàn trở ngại, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền xã cùng nhà trường, đến nay các lớp học xóa mù chữ tại đây đã hoàn thành hết khoá học.

Ông Lâm Văn Vản cho hay, tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, địa hình và trình độ người học, nhưng hiệu quả từ các lớp học xóa mù chữ là rất rõ rệt. Học viên đã có thể viết tên, đọc thông tin cơ bản, tính toán đơn giản và tự làm một số thủ tục hành chính không cần nhờ người khác.

“Chữ nghĩa như ánh sáng, giúp họ tự tin hơn, chủ động hơn trong cuộc sống, làm nền tảng để phát triển kinh tế, tiếp cận dịch vụ xã hội, từ đó giảm nghèo và phát triển bền vững”, thầy nói.

Đồng bào dân tộc Nùng ở xã Thiện Hòa nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung đã và đang thay đổi từng ngày. Những con chữ nhỏ bé, từng nét bút chập chững kia đang mở ra một cánh cửa mới, nơi tri thức dẫn đường, nơi niềm tin được khơi dậy từ trong từng ánh mắt người học.

Giáo dục là nền tảng để phát triển con người và cộng đồng. Ở những vùng khó khăn, giáo dục người lớn, đặc biệt là xóa mù chữ, không chỉ là nhiệm vụ giáo dục, mà còn là trách nhiệm xã hội, là nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện đại.

Lớp học bên dòng sông ấy vẫn sáng đèn mỗi tối, những tiếng đọc bài vẫn vang vọng giữa núi rừng Lạng Sơn. Mỗi con chữ gieo xuống hôm nay chính là mầm xanh cho tương lai, một tương lai nơi người dân tộc thiểu số không còn mù chữ, không còn thiệt thòi.

Lượt xem: 17
Nguồn:giaoducthoidai.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...