Phú Thọ: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 14 xã, nguy cơ lây lan rất cao
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp tại Phú Thọ, với số ổ dịch liên tục gia tăng. Tính đến giữa tháng 7, dịch đã xuất hiện tại 14 xã, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ chăn nuôi và đẩy ngành nông nghiệp địa phương vào tình thế cảnh báo đỏ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, DTLCP đã xuất hiện tại 14 xã thuộc các huyện Yên Thủy, Mai Châu, Kim Bôi, Lạc Sơn, Đoan Hùng và một số địa phương khác. Tổng cộng 135 hộ có lợn nhiễm bệnh, với hơn 550 con lợn đã buộc phải tiêu hủy.
Ngày 12/7, công an xã Phú Khê phát hiện, xử lý vụ buôn bán lợn nhiễm DTLCP.
Riêng trong 10 ngày đầu tháng 7, dịch tiếp tục bùng phát tại 5 xã mới gồm Thung Nai, Cao Dương, Tiền Phong, Lạc Sơn và Trạm Thản. 106 con lợn bị ốm, chết hoặc phải tiêu hủy. Đến nay, 11 xã vẫn chưa qua thời hạn 21 ngày, đồng nghĩa với việc dịch có nguy cơ lan rộng nếu không kiểm soát chặt.
Điều đáng lo ngại là các trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc vẫn liên tục bị phát hiện. Mới đây, lực lượng chức năng xã Tam Dương Bắc bắt giữ một xe tải chở 23 con lợn từ Phú Thọ đi Hải Phòng không có giấy kiểm dịch. Xét nghiệm cho thấy 2/3 mẫu dương tính với virus DTLCP.
Tại xã Phú Khê (Phú Thọ), một vụ vận chuyển 7 con lợn nghi nhiễm bệnh vừa bị ngăn chặn. Kiểm tra nhà riêng của đối tượng, phát hiện thêm 4 con lợn có dấu hiệu tương tự. Kết quả xét nghiệm: 7/11 mẫu dương tính.
Trước tình hình cấp bách, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã ban hành các văn bản khẩn chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; cấp phát 60 lít hóa chất khử trùng cho các xã có nguy cơ cao; thành lập các đoàn kiểm tra xuống tận cơ sở.
Ông Hoàng Mạnh Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh giám sát lâm sàng, khoanh vùng nguy cơ và xét nghiệm diện rộng: "Khi xác định được vùng dịch, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp vắc xin miễn phí để tiêm phòng khẩn cấp, ngăn chặn đà lây lan”.
Tỉnh cũng siết chặt kiểm soát hoạt động tái đàn lợn, đặc biệt tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.
Ngành chức năng nhấn mạnh: Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, vì vậy người dân không nên hoang mang, không nên tẩy chay các sản phẩm thịt lợn sạch, rõ nguồn gốc và được chế biến hợp vệ sinh.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn mắc DTLCP tại xã Phú Khê.
Đồng thời, các hộ chăn nuôi được khuyến cáo nghiêm túc thực hiện "5 không": Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn.
DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho kinh tế nông hộ và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh dịch đang có xu hướng mở rộng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, ngành nông nghiệp và ý thức chủ động của người dân là điều kiện tiên quyết để khoanh vùng, dập dịch, bảo vệ đàn lợn và phục hồi chăn nuôi bền vững tại Phú Thọ.