• :
  • :

Phòng, chống thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng

Việt Nam có tỷ lệ thừa cân béo phì khá thấp so với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, có nghịch lý đáng lo ngại là tình trạng suy dinh dưỡng ở khu vực nông thôn và một bên là thừa cân béo phì ở khu vực thành thị.

Cần có các giải pháp hiệu quả, hướng vào xử lý gốc rễ các nghịch lý về dinh dưỡng ở Việt Nam, tránh những hệ lụy không đáng có đối với đời sống kinh tế-xã hội.

Hoạt động giáo dục thể chất trong hoạt động trại hè của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Thực Nghiệm, Hà Nội. Ảnh: XUÂN TRẦN 

Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân của người từ 5 đến 19 tuổi tại Việt Nam giảm từ 23,4% năm 2010 xuống còn 14,8% năm 2020; trong khi tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ béo phì ở độ tuổi này ở nội thành tại TP Hồ Chí Minh đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%. Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân hạn chế vận động và bị mất cân bằng dinh dưỡng. Người dân cần xây dựng thói quen vận động cũng như có kiến thức về dinh dưỡng, cân bằng.

Đề cập nguyên nhân dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Khái, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, thừa cân béo phì là căn bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể chất; khẩu phần dư thừa chất bột tinh chế, quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường, nhiều chất béo, muối, sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, và một số nguyên nhân khác như di truyền, rối loạn nội tiết và chuyển hóa... Trong khi đó, suy dinh dưỡng thường là hậu quả của bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng. Ông Phạm Ngọc Khái cũng cho rằng, với một đất nước đang trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam phải đối phó với gánh nặng kép về dinh dưỡng. "Để cải thiện vấn đề này cần có những nỗ lực liên ngành từ Trung ương đến địa phương, cần tăng cường quản lý trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Chúng ta cần nâng cao nhận thức và thực hành cho cả cộng đồng bao gồm cả lãnh đạo quản lý, người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh và người tiêu dùng; tất cả vì mục tiêu sức khỏe cho mọi người, hạn chế những hệ lụy bệnh tật", ông Phạm Ngọc Khái nhấn mạnh.

Nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng dinh dưỡng hiệu quả, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Kim, Chủ tịch Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, thừa cân béo phì do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do mất cân bằng dinh dưỡng và lười vận động. Do đó, về dinh dưỡng, cần tập trung vào các giải pháp cung cấp chế độ ăn hợp lý, cân đối giữa các nhóm thực phẩm; về lối sống, cần tăng cường hoạt động thể chất, vận động. Đồng thời, các nhà sản xuất, cần cung cấp thông tin trên nhãn hàng hóa, thực phẩm; các cơ quan hữu quan cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, triển khai các chiến dịch, chương trình tuyên truyền, giáo dục hiệu quả. Nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc và trí tuệ của người Việt Nam, ngày 5-1-2022 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 02/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc và trí tuệ của người Việt Nam.       

QUANG HUY

Tags: qdnd
Lượt xem: 141
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết