Nỗi lo thiếu giáo viên hiện hữu khi năm học mới cận kề
Năm học mới 2023 - 2024 sắp bắt đầu nhưng ở nhiều nhà trường, bài toán thiếu giáo viên vẫn đang là vấn đề nan giải…
Giáo viên đỗ biên chế không đến nhận quyết định
Thu nhập không đáp ứng nhu cầu cuộc sống là lý do lớn nhất khiến nhiều giáo viên không mặn mà với nghề dạy học. Theo anh Đỗ Quang M (giáo viên một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Giáo viên hiện nay đối mặt với quá nhiều áp lực từ công việc trong khi đó đồng lương lại vô cùng “bèo bọt”. Đối với giáo viên biên chế, lương chỉ có trên 4 triệu đồng/tháng còn giáo viên hợp đồng, thu nhập chỉ trên 3 triệu đồng. Trong khi đó, giá cả leo thang từng ngày, mọi chi tiêu đều đắt đỏ nên đồng lương ấy khó để đảm bảo cuộc sống.
Việc nâng cao thu nhập bằng dạy thêm (khi phụ huynh, học sinh có nhu cầu) cũng bị cấm đoán, “bắt bớ”, kỉ luật lên xuống khiến cuộc sống của nhiều thầy cô càng khó khăn hơn”.
Thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nan giải khi năm học mới đã cận kề |
Thầy M cũng đã chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp rời bỏ trường vì đồng lương quá eo hẹp để chuyển sang công việc khác. “Giáo viên Tin học và Tiếng Anh ở các trường hiện đang thiếu trầm trọng. Đầu tiên là vì lương thấp, thứ hai là do họ phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Thêm vào đó, hầu hết đội ngũ giáo viên có chuyên môn đào tạo không phù hợp với đầu ra yêu cầu. Giáo viên Tiếng Anh đúng chuyên ngành đa số chọn dạy cho các trung tâm bên ngoài với mức lương cao hơn gấp nhiều lần”, thầy M cho biết.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Ngoại ngữ, đã từng có thời gian đi dạy Tiếng Anh ở một trường tiểu học công lập trên địa bàn quận Hà Đông nhưng không lâu sau đó, chị Nguyễn Thị Bình xin nghỉ. Lý do chị Bình đưa ra là: “Đồng lương quá eo hẹp, chỉ mấy chục nghìn đồng cho một giờ dạy, trong khi đó, với từng ấy thời gian, tôi dạy ở trường quốc tế, trung tâm Tiếng Anh bên ngoài thu nhập cao gấp nhiều lần”.
Cũng mang trong mình nhiều hoài bão, lý tưởng với nghề “gõ đầu trẻ” nhưng sau 2 năm đứng lớp dạy môn Tin học, chị Nguyễn Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) rời bục giảng. Hiện chị đang làm cho một trung tâm Tin học trên địa bàn Hà Nội với thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Chị Phương chia sẻ: “Dù rất yêu trẻ con, thích nghề dạy học nhưng việc đảm bảo nhu cầu đời sống của gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Làm sao tôi yêu được nghề khi lương nhận về chỉ đủ mua cho con vài hộp sữa?”
Thiếu giáo viên hiện đang là nỗi lo hiện hữu của nhiều nhà trường khi năm học mới 2023 - 2024 đang cận kề. Cô Lê Thị Tuyết - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Nhà trường hiện không thiếu giáo viên dạy các môn năng khiếu nhưng lại thiếu giáo viên dạy văn hóa.
Năm vừa rồi, trường đề xuất 10 biên chế để đảm bảo công tác dạy học và được huyện duyệt 5 chỉ tiêu. Tuy nhiên, có 2 giáo viên dù đã đỗ biên chế nhưng lại bỏ, không đến nhận quyết định. Nhà trường đã phải bổ sung bằng cách tuyển giáo viên hợp đồng trong khi chờ đợi.
“Đồng lương cho giáo viên eo hẹp. Nhiều giáo viên phải đi làm xa, từ huyện này đến huyện khác với khoảng cách lên đến hàng chục cây số khiến công tác tuyển chọn giáo viên của nhà trường gặp nhiều khó khăn”, cô Tuyết chia sẻ.
Khó tuyển thêm người mới, địa phương thu hút bằng cách nào?
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022).
Cô và trò trường Tiểu học Trần Phú, thị xã Sơn Tây |
Tuy nhiên, theo chỉ tiêu đặt ra thì cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.
Hai nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng tăng là do làn sóng giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp dẫn và khó tuyển thêm người mới.
Năm học vừa qua, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập vẫn có chiều hướng tiếp diễn. Trong 19.300 giáo viên nghỉ thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ.
Tương tự như năm học trước, số giáo viên bỏ ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... Ở khu vực này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.
Trong báo cáo mới đây, Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập trên cả nước tiếp tục gia tăng.
Ngoài nguyên nhân lượng giáo viên nghỉ việc lớn thì số lượng trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên) là áp lực lớn ngành đang phải gánh. Cùng với đó, ở cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên). |
Không chỉ thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, cơ cấu đội ngũ nhà giáo đang mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Để ứng phó với tình trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương đã “mạnh tay” chi tiền mời giáo viên, sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi về công tác.
Có thể kể đến như Hưng Yên. Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên ra nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn từ 1/8.
Giáo viên tiểu học được hỗ trợ 108 triệu đồng và giáo viên mầm non 162 triệu đồng/người. Số tiền này được trao trực tiếp theo hình thức một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác.
Tỉnh cũng đưa ra điều kiện các giáo viên nhận hỗ trợ cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên lý giải, việc ban hành nghị quyết này nhằm kịp thời bảo đảm yêu cầu về số lượng, tăng cường chất lượng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trong thời gian tới. Đồng thời, nghị quyết góp phần động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân hăng say học tập, tích cực xây dựng quê hương, đất nước.
Tới đây, ngày 20/8, TP Hà Nội cũng tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục. Theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tuyển dụng 608 chỉ tiêu, bao gồm 536 chỉ tiêu viên chức giáo viên và 72 chỉ tiêu viên chức nhân viên. Về hình thức tuyển dụng, đối với diện thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP là xét tuyển; các đối tượng còn lại áp dụng hình thức thi tuyển.