Nỗ lực giảm bệnh nhân lao
Hiện nay, công tác chống lao tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và thách thức.
Chung tay với công tác phòng, chống lao trên cả nước, mục tiêu Chương trình phòng, chống lao TP Hà Nội đặt ra trong năm 2024 là giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng.
Trung bình hằng năm, Chương trình phòng, chống lao của Hà Nội thu nhận hơn 4.000 bệnh nhân lao. Dịch tễ lao tại Hà Nội hiện xếp ở mức trung bình tại khu vực miền Bắc (51 người/100.000 dân), với hơn 4.000 bệnh nhân lao các thể được phát hiện năm 2023.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, để tăng hiệu quả của công tác phòng, chống lao, Bệnh viện đã tổ chức lồng ghép tầm soát các bệnh phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường... Cùng với đó là đẩy mạnh phối hợp y tế công-tư, tối ưu hóa, tăng cường hoạt động sàng lọc, phát hiện điều trị lao thông qua sự phối hợp y tế công-công; công-tư tại TP Hà Nội.
Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: THU TRANG |
Theo ông Nguyễn Văn Đông, trong năm 2024, Hà Nội phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 45 người/100.000 dân; giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống dưới 4 người/100.000 dân; giảm tối đa nguy cơ phát sinh tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đồng thời, duy trì mạng lưới phòng, chống lao từ tuyến thành phố đến quận/huyện và 100% xã/phường; bảo đảm 80% các cơ sở y tế công lập trên địa bàn; 30% các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phối hợp với chương trình phòng, chống lao của thành phố.
Chương trình cũng sẽ xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động phối hợp phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị tại các bệnh viện, phòng khám công lập, ngoài công lập; tăng cường phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị bệnh nhân lao, áp dụng chiến lược 2X (X-quang và Xpert) và các kỹ thuật chẩn đoán có chất lượng, kỹ thuật tiên tiến để tăng cường phát hiện lao sớm, điều trị có hiệu quả bệnh lao; phát hiện và thu nhận điều trị cho 5.200 người bệnh lao các thể. Sàng lọc lao tiềm ẩn trong người tiếp xúc hộ gia đình, người bệnh nguy cơ cao, trẻ em... bảo đảm 5.000 người có yếu tố nguy cơ được khám sàng lọc.
Hà Nội cũng mở rộng can thiệp phát hiện chủ động cho những người ở trung tâm cải tạo, các cơ sở methadone, người sống ở trung tâm bảo trợ xã hội, ưu tiên người già, người khuyết tật ở mọi lứa tuổi và nhóm dễ tổn thương khác. Tổ chức hoạt động giám sát quản lý điều trị bệnh lao tại 100% đơn vị mạng lưới, giám sát thường niên, định kỳ hằng quý và đột xuất. Triển khai, ổn định mạng lưới, bảo đảm thuốc, vật tư, thực hiện hướng dẫn mới về quản lý bệnh nhân lao tại cộng đồng theo định hướng của chương trình chống lao quốc gia, bảo đảm triển khai thành công khám, chữa bệnh lao theo BHYT.
Đồng thời duy trì tần suất và bảo đảm chất lượng công tác kiểm tra-giám sát hoạt động phòng, chống lao tại các tuyến; áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin (Hệ thống VITIMES mới) trong công tác ghi chép, báo cáo số liệu hoạt động lao. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm huy động sự hưởng ứng của cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.
HẢI ANH