• :
  • :

Mở toang cánh cửa cao học

Thông tin nhiều cơ sở giáo dục đại học vừa công bố không áp dụng thi tuyển mà chỉ xét tuyển đầu vào cao học năm 2024 khiến dư luận quan tâm. Trong đó, một số trường đại học có uy tín về chất lượng đào tạo ở TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên cũng mở rộng cánh cửa đầu vào cao học đối với những thí sinh đã có bằng đại học.

Theo lý giải của các trường, việc bỏ thi tuyển đầu vào thạc sĩ vừa tránh tốn kém đối với các thí sinh vừa tạo cơ hội thuận lợi ứng tuyển cho những người muốn học cao học (nhất là những người đã đi làm nhiều năm) không phải học thêm mấy môn cơ bản rồi lại trải qua một đợt thi cử hình thức, phiền phức.

Trước đây, chỉ có sinh viên nào tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên mới có cơ hội tuyển thẳng đầu vào cao học. Nay thì cánh cửa vào cao học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học gần như mở toang nên ai cũng có thể trở thành thạc sĩ khi có nhu cầu. Có sự thông thoáng này là bởi 5 năm trở lại đây, số lượng thí sinh trúng tuyển thạc sĩ của các trường trong cả nước giảm từ 45.000 người (năm học 2017-2018) xuống còn 30.000 người (năm học 2021-2022). Như vậy, số học viên cao học liên tục giảm, bình quân khoảng 3.000 người/năm.

Ảnh minh họa: vtv 

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là nhiều trường giảm nguồn thu từ việc đào tạo bậc cao học cho nên buộc phải nới lỏng đầu vào. Một nghịch lý diễn ra từ nhiều năm nay là cơ sở đại học nào tổ chức thi cao học càng chặt chẽ thì tuyển lựa được càng ít thí sinh. Ngược lại, trường nào tổ chức thi đầu vào dễ dãi hay áp dụng hình thức xét tuyển thì thu hút được nhiều học viên.

Không chỉ trường đại học tuyển sinh cao học mà có cả trường cao đẳng cũng liên kết với trường đại học để tuyển sinh đầu vào học thạc sĩ. Hình thức học bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, vừa học vừa làm, học cuối tuần (học chính quy không tập trung). Vì chạy theo lợi ích kinh tế, nhiều trường tìm mọi cách mời gọi, thu hút được thí sinh học cao học càng nhiều càng tốt.

Chúng ta từng có bài học đắt giá khi đại học hóa ở hầu khắp tỉnh, thành phố trong cả nước. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, số cơ sở đại học tăng từ 150 trường lên 244 trường. Do phát triển ồ ạt đại học địa phương nên nhiều trường đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” khi không tuyển sinh được đầu vào khiến nhà trường như cái xác không hồn, còn giảng viên thiếu việc làm, bị nợ lương triền miên.

Bao hệ lụy nhãn tiền từ việc đại học hóa ở địa phương vẫn chưa được giải quyết căn cơ, nay nhiều nơi lại tiếp tục nới lỏng chính sách đầu vào cao học liệu có lặp lại vết xe đổ đó? Trong khi xu hướng đào tạo thừa thầy thiếu thợ vốn là bài toán nan giải từ nhiều năm nay đã tác động không thuận đến sự cân đối nguồn nhân lực cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thì việc đào tạo quá nhiều thạc sĩ liệu có thật sự cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội không?

Thời nay, người ta có thể vin vào “chiếc phao” thời đại phát triển khoa học-công nghệ nên rất cần phải đại học hóa, cao học hóa nguồn nhân lực xã hội. Thế nên ra ngõ gặp cử nhân, ra đường gặp thạc sĩ, trong khi rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường than phiền trước tình cảnh thừa người yếu, thiếu người tài.

Tạo cơ hội cho mọi người được tiếp cận tri thức, học hành thuận lợi là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Thế nhưng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, rất cần phải có quy trình đào tạo bài bản, chính quy, chặt chẽ, coi trọng giá trị thực chất hơn là chạy theo số lượng thuần túy. Nếu không, nguy cơ lãng phí xã hội là khó tránh khỏi và bệnh phô trương bằng cấp sẽ gây nguy hại cho đất nước.

CÔNG THÀNH

Tags: cao học
Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết