Những bữa cơm gia đình
Một người bạn công tác trong khu vực miền Trung vừa gọi điện cho tôi tâm sự, đã mấy tháng nay bạn chưa được về thăm cha mẹ ở quê.
Các anh, chị, em đều đã trưởng thành, mỗi người một phương lập thân, lập nghiệp nên ít có dịp gặp. Cuộc sống hiện đại, kinh tế đủ đầy, muốn ăn gì là có đấy, nhưng bạn chỉ thèm được ăn bữa cơm gia đình, có đủ các thành viên như ngày còn niên thiếu, dẫu nghèo, đói và thiếu thốn, nhưng khi nào cũng đầy ắp tiếng cười. Ngay với gia đình riêng của mình, có khi đến cả tháng, vợ, chồng mới nấu được bữa cơm, đông đủ cả nhà cùng ăn vào dịp cuối tuần.
Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc |
Câu chuyện trên đây có lẽ cũng là thực tế chung của nhiều gia đình, là suy tư của nhiều người đang ở trong guồng quay của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở khu vực thị thành, hầu như chỉ có bữa cơm tối và những ngày cuối tuần, các gia đình mới được quây quần cùng nhau bên mâm cơm gia đình. Nhưng nhịp sống của thời công nghiệp hiện đại, công việc chi phối đã cuốn mỗi thành viên đi một hướng và chỉ gặp mặt nhau khi đã tối muộn, nên những bữa cơm có đông đủ các thành viên trong gia đình cứ thưa dần. Đối với nhiều gia đình trẻ, ưa thích sự tiện ích, hiện đại, họ lựa chọn ăn ở nhà hàng, đặt đồ ăn nhanh thay vì nấu ăn tại nhà. Bữa cơm gia đình vì thế cứ thưa dần và trở thành “nếp sống cũ”.
Bữa cơm gia đình là nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta, được hình thành, tiếp nối và trao truyền từ bao đời nay. Trong mỗi giai đoạn, bữa cơm gia đình của người Việt luôn có sự tiếp biến văn hóa để ngày càng tiệm cận và bắt nhịp với nếp sống văn minh, hiện đại và vẫn luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa vùng, miền. Xét ở khía cạnh văn hóa, bữa cơm gia đình là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Ngay trong bữa cơm gia đình đã hàm chứa đầy đủ không gian, thời gian của sự gắn kết, của văn hóa truyền thống gia đình. Ở đó, các thành viên cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, rồi quây quần, sum tụ quanh mâm cơm, cùng nhau trò chuyện, sẻ chia vui, buồn. Đó là khoảng thời gian quý báu, là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình; để những bậc ông, bà, cha, mẹ giữ gìn và dạy bảo con, cháu về nền nếp gia phong, truyền thống gia đạo.
Bởi vậy, dù cuộc sống hiện đại đến đâu, kinh tế mỗi gia đình dù khá giả, giàu có thế nào thì bữa cơm gia đình vẫn là phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Gia đình là nền tảng của xã hội và giáo dục từ gia đình chính là yếu tố căn cốt, nền tảng để hình thành nhân cách của mỗi người.
MINH MẠNH