• :
  • :

Nhìn lại đời sống nghệ thuật năm 2023: Dấu ấn mới, hướng đi mới

Năm 2023 ghi nhận sự đổi mới, bứt phá sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, để lại những dấu ấn mới trong lòng khán giả cũng như tạo nên bức tranh đa dạng trong sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Đây cũng được xem là những bước chuyển biến, tiến bộ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và phát huy giá trị các hoạt động kỷ niệm “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023).

Sân khấu sáng đèn, bứt phá tài năng

Có thể nói, nghệ thuật sân khấu chưa có năm nào sôi động như năm 2023. Nhiều sân khấu của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sáng đèn và tấp nập khán giả ra vào, thậm chí có những sân khấu “cháy vé” liên tục khi ra những vở diễn mới, hấp dẫn như Hà Nội có Sân khấu Lệ Ngọc, Nhà hát kịch Việt Nam; TP Hồ Chí Minh có Sân khấu IDECAF với vở kịch “Ngày xửa ngày xưa” hút khán giả với gần 100 suất diễn, từ tháng 5 cho tới tháng 9. Một trong những điểm sáng là “Kế hoạch sáng đèn nhà hát thành phố” của TP Hải Phòng. Với chuỗi các chương trình vở diễn đặc sắc diễn ra vào các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần (lên kế hoạch bắt đầu từ ngày 1-7 đến 24-12-2023), Nhà hát thành phố Hải Phòng đã trở thành điểm hẹn văn hóa độc đáo và ấn tượng đối với các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, nhân dân và du khách, một minh chứng cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật của thành phố Hải Phòng.

Tiết mục múa “Dệt lanh” của Đoàn Văn công Quân khu 1 đoạt Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023. 

Thành công đáng kể của sân khấu trong năm còn là những cuộc thi tài năng diễn viên ở khắp các loại hình nghệ thuật sân khấu từ chèo, cải lương, tuồng, dân ca kịch đến múa rối, kịch nói... Qua các cuộc thi, xuất hiện nhiều nghệ sĩ, diễn viên tài năng đạt trình độ cao về kỹ thuật biểu diễn và kỹ năng diễn xuất. Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật tiếp tục được quan tâm, nâng tầm lên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp như Liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai; Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023...

Điều thấy rõ ở các cuộc thi, liên hoan sân khấu năm nay là tài năng, trích đoạn, vở diễn tham gia với số lượng lớn “chưa từng thấy từ trước tới nay”, như nhận xét của TS Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 tổ chức tại Hà Nam kéo dài tới 12 ngày (từ 20-5 đến 1-6) thu hút hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 33 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước, mang tới hơn 106 trích đoạn với đủ thể loại tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, xiếc... Trong đó có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Con số này tạo nên cảm xúc mừng vui, vì trong điều kiện còn quá nhiều thách thức, khó khăn, các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn thắp sáng khát vọng sáng tạo, cố gắng vượt qua chính mình, gạn đục khơi trong để giữ nghề, lưu truyền và tiếp nối những thành quả mà nhiều thế hệ ông cha đã tạo dựng nên.

Điện ảnh: Doanh thu chưa đồng hành với nghệ thuật

Với gần 30 bộ phim ra mắt, doanh thu phim Việt năm 2023 vượt mốc 1.500 tỷ đồng, theo ghi nhận của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), nhưng trong đó có nhiều phim thua lỗ vì chất lượng thấp, không được khán giả đón nhận khi ra rạp.

Đầu năm 2023, điện ảnh Việt có dấu hiệu tích cực với sự bùng nổ về doanh thu của “Nhà bà Nữ”, dự án phim do Trấn Thành đạo diễn đứng đầu bảng xếp hạng của Box Office Vietnam trong nhiều tuần liền, lập kỷ lục là phim Việt ăn khách nhất mọi thời, với doanh thu hơn 475 tỷ đồng. Nhiều phim Việt cũng đạt doanh thu cao, thành công khi lôi kéo khán giả ra rạp như “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (272 tỷ đồng), “Siêu lừa gặp siêu lầy” (121 tỷ đồng), “Chị chị em em 2” (121 tỷ đồng), “Con Nhót mót chồng” (75 tỷ đồng)... Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của phim Việt đã nhanh chóng vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đây là thành tích tốt nhất của thị trường điện ảnh nước nhà trong 5 năm qua, hoàn toàn trái ngược cảnh ế ẩm với nhiều phim thua lỗ năm ngoái.

Tuy nhiên, bức tranh phim Việt nửa cuối năm lại mang màu sắc hoàn toàn khác, mặc dù trước đó các đơn vị sản xuất đã rầm rộ truyền thông về những “bom tấn” phim Việt, về sự trở lại của những cái tên nhà sản xuất, đạo diễn làm phim hút phòng vé... Số lượng phim ra mắt nhiều hơn, nhưng phần lớn các dự án đều đạt doanh thu không như kỳ vọng, nhận nhiều lời chê về nội dung, chất lượng; trong đó đáng chú ý là “Đất rừng phương Nam” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) và “Người vợ cuối cùng” (đạo diễn Victor Vũ).

Phim Việt năm 2023 vẫn lặp lại vấn đề: Doanh thu không tỷ lệ thuận với chất lượng phim; hoặc phim nghệ thuật được quốc tế đánh giá cao nhưng chưa hút khán giả nước nhà. “Tro tàn rực rỡ” là một ví dụ. Bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng đoạt giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim ba lục địa tại Pháp, giải Cánh diều Vàng 2023, thắng 5 giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, trong đó có giải vàng cho Phim truyện hay nhất. Nhưng đáng tiếc, doanh thu của “Tro tàn rực rỡ” chỉ đem về cho nhà sản xuất và đơn vị phát hành vỏn vẹn chưa đầy 10 tỷ đồng. “Tro tàn rực rỡ” không thuộc dự án phim được đầu tư của Nhà nước, kinh phí sản xuất từ hoạt động hội chợ phim “Asian Project Market” tại “Liên hoan phim quốc tế Busan” (Hàn Quốc) được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giành được. Trăn trở khi so sánh phim được đánh giá cao về chất lượng, nghệ thuật tại quốc tế và nước nhà lại không có con số ưng ý về doanh thu, nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khá hài lòng với đam mê mình đã và đang đi, đó là làm những bộ phim nghệ thuật, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Dấu ấn bứt phá của nghệ thuật cách mạng

Đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn là đề tài hấp dẫn đối với các loại hình nghệ thuật. Trên sân khấu nghệ thuật chèo năm qua, những vở diễn: “Mưa đỏ” (Đoàn chèo Hải Phòng), “Đất liền và biển cả” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); kịch nói với “Điều không thể mất”, “Bão tố Trường Sơn”, “Đêm trắng”; đến cả nghệ thuật xiếc với “Cúc ơi”; sân khấu thực cảnh “Huyền thoại tuổi thanh xuân”... được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn vẫn hút khán giả. Năm 2023 cũng đánh dấu những trại sáng tác kịch bản, trại sáng tác âm nhạc về đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính được các Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam... phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan phát động và tổ chức tới các hội văn học nghệ thuật trong cả nước. Không dừng ở mảng đề tài chung, từng trại viết, cuộc phát động sáng tác đã nêu chủ đề cụ thể trong sự phối hợp với các quân chủng, binh chủng, đơn vị trong Quân đội để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật nêu bật chân dung Bộ đội Cụ Hồ trong quá khứ và thời kỳ đổi mới.

Sự bắt tay vào cuộc hồ hởi, tự hào của đông đảo đội ngũ sáng tạo trong toàn quân, toàn quốc đã thể hiện rõ nét trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hội diễn thu hút hơn 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 19 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài Quân đội tham gia với 21 chương trình, vở diễn. 12 ngày diễn ra tại Hà Nội, dư âm để lại trong giới làm nghề và đông đảo công chúng là những dấu ấn đáng tự hào về quy mô tổ chức và sự bứt phá trong sáng tạo, đổi mới của các nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn có sức hấp dẫn, tỏa sáng trên sân khấu nghệ thuật cách mạng.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đánh giá: “Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023 có ý nghĩa chính trị và tinh thần to lớn. Kết quả của hội diễn cho thấy sự đầu tư công phu của các đoàn nghệ thuật, sự đổi mới, sáng tạo, đột phá về phong cách, phương pháp biểu diễn. Chính vì vậy mà hầu hết tác phẩm đều có sức sống mạnh mẽ, cảm xúc sâu sắc, tạo dấu ấn bứt phá mới cho nghệ thuật cách mạng, được khán giả đón nhận, yêu mến và ngưỡng mộ. Vì lẽ đó mà sân khấu của nghệ thuật cách mạng luôn luôn khẳng định được vị thế, uy tín trong lòng đông đảo khán giả cũng như là sự thách thức sáng tạo, nhưng đều là khát khao vươn tới của những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp ở nước ta”.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ