Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Thời gian qua, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhờ đó giúp ngành chăn nuôi duy trì sản xuất. Thế nhưng, tình hình thời tiết các tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm vẫn xảy ra. Đây chính là những nguy cơ khiến dịch bệnh dễ phát sinh trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nước ta và trên thế giới hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Long: Đến thời điểm hiện nay trên phạm vi cả nước, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, đồng thời bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho các tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận định nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên gia súc, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... vẫn còn hiện hữu. Bởi vì, các tháng cuối năm, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh để phục vụ Tết Nguyên đán. Tiếp đó, vận chuyển, giết mổ cũng gia tăng, trong khi đó qua giám sát mầm bệnh thực tế vẫn còn lưu hành rất nhiều. Đồng thời hiện xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tiêm phòng vaccine.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y |
Nếu chúng ta không làm tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào nước ta thì mầm bệnh có thể xâm nhập làm lây lan dịch bệnh. Hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Cúm gia cầm đã và đang xảy ra ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở gần 40 quốc gia. Nếu chúng ta không chủ động phòng, chống thì dịch bệnh rất có thể phát sinh làm ảnh hưởng tới chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm.
PV: Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, giúp sản phẩm gia súc, gia cầm của Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài, Cục Thú y đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Long: Thời gian vừa qua, Cục Thú y thành lập các đoàn công tác xuống phối hợp với địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi để cùng thống nhất những biện pháp xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh theo đúng yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Chúng tôi đã tham mưu với Bộ NN-PTNT đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Kết quả đã đàm phán thành công với Mông Cổ để xuất khẩu thịt gia cầm và trứng tươi và sản phẩm từ trứng; xuất khẩu được trứng tươi vào Hồng Kông, Maldives, đồng thời mời Vương quốc Anh, Hàn Quốc cử đoàn sang Việt Nam để trực tiếp đánh giá tiến tới cho phép Việt Nam xuất khẩu chăn nuôi; ký với Trung Quốc về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường này trong thời gian tới.
Để làm được việc này cần sự tham gia tích cực của người chăn nuôi, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chính là biện pháp phòng dịch bệnh một cách chủ động, rẻ nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng được nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.
Chăn nuôi gia cầm nông hộ ở huyện Yên Thế, Bắc Giang. Ảnh NGHINH XUÂN |
PV: Việc kiểm soát nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam hiện được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Long: Giống như khi xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam, khi đàm phán các nước để nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam, chúng ta cũng làm rất bài bản, theo đúng quy định, phù hợp thông lệ quốc tế. Cái quan trọng là chúng ta nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi nhưng cũng phải quan tâm đến phát triển chăn nuôi ở trong nước.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, khi đàm phán để nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam, chúng tôi thường đàm phán rất khắt khe, kỹ lưỡng, bảo đảm tất cả yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và đúng thông lệ quốc tế, quy định của Tổ chức Thú y thế giới.
PV: Thời gian qua, Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine đầu tiên trên thế giới phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của loại vaccine này đối với phòng, chống dịch bệnh?
Ông Nguyễn Văn Long: Với sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ từ phía Hoa Kỳ, Việt Nam sau hơn 3 năm đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi. Tháng 7-2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, tốc độ người dân, doanh nghiệp chăn nuôi sử dụng vaccine tăng 5-10 lần so với trước đây. Qua đó cũng giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về công dụng của loại vaccine, đây là loại vaccine khó nhất trên thế giới trong ngành thú y. Cùng với việc sản xuất, chúng ta đã triển khai thực hiện tiêm phòng có hiệu quả.
Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thì chắc chắn việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ còn tăng rất mạnh. Nhất là trong bối cảnh hiện nay tình hình dịch tả lợn châu Phi ở một số địa phương còn diễn biến phức tạp. Bộ NN-PTNT khuyến cáo tiêm phòng chính là giải pháp quan trọng phòng, chống dịch bệnh này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)