• :
  • :

Nhân rộng những việc làm cao cả

Tính đến năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã 5 lần tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực. Sau 5 lần tổ chức, hiệu quả và sức lan tỏa của những tấm gương được nâng lên rõ rệt; đồng thời cách thức bình chọn cũng có nhiều đổi mới, nhân rộng vườn hoa “người tốt, việc tốt” trong cộng đồng.

Đa dạng gương điển hình

Với 101 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực, đa dạng đối tượng, tầng lớp nhân dân, mỗi tấm gương là một câu chuyện đầy ý nghĩa, ấm tình người, đậm chất nhân văn. Câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) dù diễn ra cách đây hơn một năm, nhưng khi nhắc lại vẫn khiến nhiều người xúc động.

Cuối tháng 7-2021, chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (44 tuổi) và con gái Phạm Thị Bảo Châu (4 tuổi) nhiễm Covid-19. Sau một thời gian điều trị, ngày 7-8, chị Nga qua đời.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên tặng hoa chúc mừng các tấm gương tiêu biểu trong Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 5 năm 2022. 

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, khi ấy là cán bộ thuộc Ban CHQS TP Thủ Đức, được giao nhiệm vụ đưa tro cốt chị Nga về với người thân của chị. Khi tới nơi, thấy căn phòng trọ tối tăm mẹ con chị ở trước khi mắc bệnh, hoang vắng chẳng còn ai, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên hỏi thăm hàng xóm về hoàn cảnh gia đình chị Nga. Biết được gia cảnh éo le, cơ cực của mẹ con chị, anh đã quyết định nhận đỡ đầu cháu Bảo Châu, bảo trợ học tập đến khi cháu đủ 18 tuổi, cho dù gia đình mình cũng gặp không ít khó khăn. “Thương hoàn cảnh của cháu còn quá nhỏ đã phải mồ côi, không nơi nương tựa, lại đang bị bệnh nên tôi bàn với vợ, quyết định đỡ đầu chăm lo cho cháu có cuộc sống tốt hơn”, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên tâm sự.

Ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), có một lớp học vẽ tranh đều đặn hoạt động hơn 10 năm nay. Người tình nguyện dạy vẽ tranh là họa sĩ Nguyễn Văn Hoàng, 54 tuổi, ngụ tại quận 10. Hơn chục năm nay, mỗi tuần hai buổi, anh Hoàng chạy xe hơn 30km lên lớp dạy vẽ tranh miễn phí cho học trò khuyết tật. Không chỉ dạy nghề, truyền ngọn lửa đam mê hội họa cho các em, anh Hoàng còn tiếp thêm niềm tin, khát vọng sống và đạo đức làm người, giúp học trò xóa đi mặc cảm, tự ti bệnh tật. Nhờ đó, đã có nhiều học trò của anh tìm được việc làm ổn định cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Cũng âm thầm làm việc tốt, gần 6 năm nay, mỗi tháng hai lần, anh Trần Ngọc Nghĩa (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), tự nguyện cắt cỏ dại, dọn vệ sinh các tuyến đường, làm đẹp cảnh quan xóm ấp. Việc làm của anh Nghĩa đã giúp người dân xung quanh bảo ban nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chia sẻ về việc làm của mình, anh Nghĩa chỉ cười: “Chuyện nhỏ ấy mà, nói làm chi”.

Đặc biệt, gần 35 năm nay, có một Việt kiều thường xuyên thực hiện chương trình “Books4Vietnam” quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam giúp thế hệ trẻ nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng quê hương. Chỉ tính từ năm 2018 đến 2021, ông đã tiếp nhận 9.338 quyển sách các loại trị giá hơn 26 tỷ đồng để trao tặng 25 trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh và cả nước. Từ năm 1988 đến nay, ông đã quyên góp hơn một triệu quyển sách gửi về Việt Nam. Ông là Tiến sĩ Võ Tá Hân, chuyên gia tài chính-ngân hàng và quản trị kinh doanh, định cư tại California (Mỹ)-một trong 81 cá nhân tiêu biểu được TP Hồ Chí Minh tuyên dương lần thứ 5 năm 2022...

Còn rất nhiều tấm gương thầm lặng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Mỗi người một độ tuổi, một hoàn cảnh và công việc khác nhau, nhưng đều chung một tấm lòng nhân ái, yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, thầm lặng cống hiến vì thành phố thân yêu.

Đổi mới bình chọn, mở rộng đối tượng

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đợt bình chọn “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” năm nay, số lượng tấm gương giới thiệu về ban tổ chức nhiều hơn so với các năm trước. Đây là kết quả của sự đổi mới, chủ động triển khai kế hoạch từ sớm và công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đoàn thể liên quan. Bên cạnh kênh giới thiệu từ cơ sở, các khu dân cư, tổ dân phố... thì việc phát hiện của các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng. Các đối tượng được bình chọn cũng mở rộng hơn, chất lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, những tấm gương này khi được giới thiệu vẫn phải kê khai thành tích và qua nhiều vòng bình chọn từ cơ sở trở lên. Một số trường hợp ngại kê khai, hoặc làm việc thiện mà không cần khen thưởng, tuyên dương dễ dẫn tới bỏ sót các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh lưu ý các đơn vị phối hợp tổ chức tuyên dương cần tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp; áp dụng nhiều phương pháp để tập hợp những tấm gương thầm lặng nhiều hơn, sâu rộng hơn.

“Những người có nghĩa cử cao đẹp, việc làm tử tế thầm lặng, họ không phải tự kê khai thành tích để báo cáo. Các thủ tục bình chọn cần đơn giản, gọn nhẹ và nên có cơ chế khen thưởng người phát hiện, làm hồ sơ cho những tấm gương thầm lặng mà cao cả. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực để lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

Tags: cao cả
Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết