• :
  • :

Lúng túng cái tên

Cuối tuần, tôi hẹn anh bạn đến quán cà phê gần trường hàn huyên, “chém gió”. Theo dòng sự kiện trong tuần, anh nháy mắt nói:

- Trường cậu đáng lẽ phải đổi thành school (trường) chứ để university (đại học) là sai đấy nhé!

- Nếu chuẩn hóa theo kiểu của nước ngoài thì cách Việt hóa hệ thống giáo dục đó sẽ khiến nhiều người bối rối lắm-tôi nói.

Anh liền vặn lại: "Thế cậu giải thích cho tớ xem vì sao lâu nay, chúng ta vẫn thấy “trường đại học” và “đại học” ở Việt Nam đều có tên quốc tế là university? Việc "trường đại học" đổi tên thành "đại học" gần đây thiên hạ nói nhiều. Nhưng ngẫm, chỉ là cái tên mà sao phức tạp quá. Không còn từ gì thay thế rõ ràng hay sao?

 Ảnh minh họa. Tạp chí Tuyên giáo.

Tôi nói: "Lúng túng cái tên chắc không chỉ với người ngoài cuộc, thậm chí người trong cuộc cũng có phần lúng túng.

- Để xã hội lúng túng thì nghĩa là có vấn đề rồi. Trách nhiệm của mình là phải giải trình, trong hay ngoài cũng thế thôi-anh phản biện.

Câu chuyện của chúng tôi cứ thế xoay quanh việc luận giải vì sao lại có khái niệm “trường đại học” và “đại học”, giống và khác nhau gì và để làm gì. Tất cả có lẽ bắt nguồn từ sự ra đời của hai đại học quốc gia (thành lập và hoạt động trên nền tảng của các trường đại học thành viên) do Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1995 để tập trung nguồn lực phát triển mạnh hơn. Đây là “cú đấm thép”, “điểm đột phá” được kỳ vọng làm mô hình ưu việt để các đại học khác vươn tới. Ví như nhằm cạnh tranh thứ hạng với những đại học ở Anh và Mỹ, nước Pháp đã gom một loạt đại học rất “xịn” trở thành đại học thành viên một đại học lớn. Việc ấy giúp họ đầu tư tốt hơn, thậm chí chi rất mạnh tay để các đơn vị thành viên “đến được với nhau” qua các dự án liên kết đào tạo và nghiên cứu với một mục đích rõ ràng: Lên hạng (trong bảng xếp hạng chất lượng đại học thế giới).

Như vậy, việc nhập-tách, tách-nhập vì mục đích nào đó ở đâu cũng có. Khác chăng, họ không đặt khái niệm “đại học” và “trường đại học” như ở nước ta, mà xác định luôn là “đại học” và các “đại học thành viên”.

Thế giới đã xác định rõ ràng như vậy rồi, còn ta cứ lúng túng mãi cái tên. Không chỉ người nước ngoài rối với khái niệm “trường đại học” và “đại học” ở Việt Nam mà ngay chính người Việt cũng nghĩ hai khái niệm này là một. Hơn nữa, bản thân các trường cũng không nhất quán trong cách gọi tên. Chẳng hạn như Trường Đại học Ngoại thương hay Trường Đại học Y Hà Nội, trên logo và biển tên trường đều không có chữ “trường”. Do đó, sự kiện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội khiến nhiều người thắc mắc.

Về lý thuyết, việc chuyển “trường đại học” thành “đại học” là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, có sự phát triển cả về quy mô đến trình độ đào tạo, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành... Tuy nhiên, đừng nghĩ “đại học” đẳng cấp hơn “trường đại học”. Một trường đại học thành đại học không có nghĩa là chuyển vị thế hay chuyển đẳng cấp. Đẳng cấp thể hiện ở kết quả đào tạo, nghiên cứu, đóng góp cho cộng đồng, xã hội chứ không phải vì tên gọi. Có những trường đơn ngành nhưng tạo được dấu ấn về chất lượng đào tạo thì vẫn là trường đại học có vị thế cao và đóng góp lớn trong hệ thống giáo dục đại học. Điều quan trọng hơn cả là mô hình và sử dụng mô hình đó sao cho hiệu quả. Xã hội chỉ mong làm thế nào để nền giáo dục nước nhà cất cánh bay lên, vươn cao về chất lượng, còn tên gọi thực ra cũng không quá quan trọng.

MINH ĐỨC

Tags: cà phê
Lượt xem: 14
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết