Người giữ "hồn" làng nghề quạt giấy Chàng Sơn
Vượt bao khó khăn, vất vả, cựu nữ thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Tuấn đã tìm “lối đi” sinh tồn và đưa nghề làm quạt giấy truyền thống của quê hương Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) vươn tầm thế giới. Đồng thời, hằng năm, bà còn vận động, quyên góp hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ các gia đình hội viên Hội Cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Trăn trở vượt khó, gắn bó giữ nghề
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc, cô TNXP Nguyễn Thị Tuấn trở về quê hương Chàng Sơn và làm nghề nuôi dạy trẻ. Làng Chàng Sơn có nghề làm quạt giấy với gần 200 năm tuổi. Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nức tiếng khắp vùng, được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Thời bao cấp, xã Chàng Sơn chuyên sản xuất quạt giấy cho Nhà nước. Nhờ đó, tinh hoa nghề truyền thống có cơ hội tỏa khắp muôn nơi. Thế nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của quạt điện và sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, năm 2010, nhiều gia đình làm nghề quạt giấy ở Chàng Sơn phải “nuốt lệ” phá tre, đốt giấy, đốt mây, bán máy cưa, máy mài, bỏ nghề làm quạt giấy của cha ông, rời quê đi kiếm việc làm... Yêu quê hương nên mỗi khi có gia đình trong làng bỏ nghề, bà Tuấn đau nhói lòng và nghĩ: Thế hệ người dân Chàng Sơn đang làm mất đi “hồn” văn hóa riêng của quê hương bản quán.
Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Tuấn (bên trái) hướng dẫn công nhân nghiệm thu chất lượng quạt trước khi giao cho khách hàng (tháng 3-2023). |
Do vậy, bà Tuấn trăn trở tìm hướng đi mới cho chiếc quạt giấy truyền thống, đó là đưa sản phẩm ra thị trường, làm quà lưu niệm cho các du khách quốc tế, bởi bà tin mình và những nghệ nhân trong làng có thể sáng tạo ra các sản phẩm đẹp.
Nhưng hành trình khôi phục nghề truyền thống làm quạt giấy của quê hương thật không dễ, bởi trên thị trường có các sản phẩm quạt điện bền đẹp, đủ loại kích thước, mẫu mã, giá thành lại rẻ, rất phù hợp với thị hiếu của người dân. Bên cạnh đó, quạt lụa của nước ngoài cũng tràn vào chiếm lĩnh thị trường, càng làm cho nghề làm quạt giấy truyền thống bị mai một và lãng quên. Chính vì thế, khi thấy bà Tuấn tích cực học nghề, đầu tư nguyên vật liệu, nhiều người cho là gàn dở. Không khuất phục trước những khó khăn trước mắt, bà Tuấn đi vay mượn để có tiền mua máy móc, nguyên vật liệu và học hỏi kỹ thuật làm quạt của các nghệ nhân trong làng; nghiên cứu, đầu tư cải tiến sản phẩm, như: Chọn tre, chẻ nan, cách xử lý mùi, mốc bằng sơn ta và tạo màu sắc cho nan tre, chọn vải lụa thay thế chất liệu giấy làm áo quạt; lập một trang web để giới thiệu sản phẩm và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Với tình yêu nghề truyền thống của cha ông, những chiếc quạt đơn điệu vốn chỉ để quạt tay, làm mát trước kia nay được “thổi hồn”, trở thành sản phẩm trang trí, tờ rơi giới thiệu sản phẩm, bức tranh khắc họa danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước, những câu chuyện, bài thơ, câu đối hay ghi công danh, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc... chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người, quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Thương hiệu quạt Chàng Sơn dần có chỗ đứng, được trưng bày, giới thiệu ở những sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng của Hà Nội và đất nước...
Cũng từ mô hình “hồi sinh” quạt giấy này, bà Tuấn đã dạy nghề, tạo việc làm ổn định, có thu nhập cao cho nhiều gia đình và phụ nữ trong xã, đồng thời lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại. Với những cống hiến của mình, bà Tuấn còn vinh dự giành một số giải thưởng như: Danh hiệu Nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam; danh hiệu Bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam và nhiều giải thưởng khác. Ông Cấn Đình Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết: “Nền kinh tế tiểu thủ công nghiệp với trọng tâm là nghề làm quạt truyền thống của Chàng Sơn có đóng góp lớn nhất với hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Làng nghề làm quạt truyền thống phát triển như hôm nay là nhờ công sức đóng góp rất lớn của những người tâm huyết giữ nghề như bà Nguyễn Thị Tuấn”.
Tấm lòng vàng chia sẻ với đồng đội
Thành công trong cuộc sống nhưng bà Tuấn luôn trăn trở trước những mất mát, hy sinh thầm lặng của đồng đội nữ TNXP đã dâng hiến tuổi xuân trên các chiến trường, hiện còn phải gánh chịu những tổn thương về sức khỏe, tinh thần không thể chữa khỏi. Trong số họ, không ít người lỡ dở, không có niềm hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ. Vậy nên dù rất bận rộn với xưởng sản xuất quạt nhưng bà Tuấn luôn thu xếp mọi việc ổn thỏa, tích cực tham gia công tác xã hội và được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP xã. Trên cương vị này, bà Tuấn rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng đội, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Trong cuộc sống, không có gì đáng quý bằng việc đồng đội giúp nhau. Với những đồng đội khó khăn, tôi hỗ trợ họ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Còn với những đồng đội ốm đau, bệnh tật, ngoài sự giúp đỡ của bản thân, tôi còn kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay ủng hộ”, bà Tuấn chia sẻ.
Để có kinh phí giúp được nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hằng ngày, sau giờ làm việc bận rộn tại xưởng quạt, tận dụng thời gian nghỉ trưa ít ỏi, bà Tuấn tranh thủ đến các cơ sở kinh doanh, đơn vị làm kinh tế trên địa bàn xã, rồi vào cả mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ. “Mưa dầm thấm lâu”, người có ít thì ủng hộ 50.000, 100.000 đồng, rồi qua tài khoản công khai của bà Tuấn, mọi người hưởng ứng nhiều hơn. Lần đầu tiên kêu gọi mọi người quyên góp, cùng với số tiền của gia đình ủng hộ được 100 triệu đồng, bà Tuấn đã giúp chị Phí Thị Thùy ở cùng thôn, là mẹ đơn thân mổ u não, nhờ có số tiền đó mà chị Thùy đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, dần bình phục và khỏi bệnh, đi làm có thu nhập nuôi con ăn học. Nhớ nhất lần tặng công trình nhà vệ sinh, giường, đệm cho bà Lê Thị Tình, 74 tuổi, là hội viên Hội Cựu TNXP xã, bị tai biến 16 năm, gia cảnh cô đơn, nằm liệt giường trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo, bà Tuấn đã không cầm được nước mắt vì xót xa cho hoàn cảnh thương tâm của đồng đội. Hình ảnh ấy đã thôi thúc bà tiếp tục thực hiện hành trình thiện nguyện của mình.
Nhắc đến bà Tuấn, đến nay người dân xã Chàng Sơn vẫn ấn tượng sâu sắc hình ảnh nữ Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP xã đã luôn đồng lòng, chung tay góp phần cùng lãnh đạo huyện hội và UBND xã Chàng Sơn “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe và sự bình yên của nhân dân. Bằng những việc làm thiết thực, gia đình bà Tuấn đã ủng hộ 120 triệu đồng xây dựng trụ sở UBND xã Chàng Sơn và 20 triệu đồng cho quỹ phòng, chống dịch Covid-19; ủng hộ 15 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”.
Ngoài ra, bà còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 70 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; đồng thời cho hội viên vay vốn không lấy lãi và đóng góp nhiều khoản thiện nguyện khác. Cùng với đó, bà Tuấn còn xây dựng nhiều mô hình giúp đỡ cộng đồng, như vận động tặng quà trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin; thăm và tặng quà thiếu nhi nghèo học giỏi; chăm sóc người già neo đơn; tổ chức gây quỹ tặng chị em phụ nữ khó khăn ổn định cuộc sống; quyên góp, ủng hộ xây nhà vệ sinh, mua xe lăn cho các hội viên thương tật đau yếu; quà tết cho thiếu nhi... với số tiền ủng hộ cho mỗi phong trào hàng trăm triệu đồng. Nhiều năm qua, bà Tuấn đã âm thầm đồng hành thắp sáng niềm tin cho nhiều đồng đội và gia đình khó khăn trên địa bàn xã và huyện, trở thành địa chỉ đỏ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vững tin vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Liên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Chàng Sơn cho biết: “Chị Tuấn là cán bộ Hội gương mẫu, chị không chỉ là hội viên cựu TNXP làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương mà còn rất nhiệt tình trong các hoạt động từ thiện. Nhiều năm liền chị được Trung ương Hội Cựu TNXP tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động và xây dựng Hội; UBND huyện Thạch Thất tặng danh hiệu “Gương người tốt, việc tốt”.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN TUÂN