Người bệnh được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án
Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, với rất nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, Luật đã quy định người bệnh được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án và cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản.
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, liên quan đến các quy định về quyền của người bệnh, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 9 còn định tính và chưa rõ ràng, cần phải nghiên cứu điều chỉnh theo hướng người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn, được cơ quan có thẩm quyền công bố.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm quyền của người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn, phù hợp với bệnh, tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Việc bảo đảm an toàn cho người bệnh trong suốt quá trình khám bệnh, chữa bệnh còn được quy định tại các quy định về nghĩa vụ của người hành nghề đối với người bệnh và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh quy định tại Điều 60.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị về quyền kiến nghị và bồi thường của người bệnh, cần bổ sung quy định: “Được yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề xin lỗi trong trường hợp để xảy ra sai sót về trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh hoặc về chuyên môn kỹ thuật”.
Ảnh minh họa: Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Xanh Pôn. |
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật trình thông qua quy định nghĩa vụ của người hành nghề đối với người bệnh và quy định trường hợp để xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật, tùy mức độ vi phạm, sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề. Do vậy, Luật được thông qua không bổ sung quy định này.
Liên quan đến hồ sơ bệnh án, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được quyền khai thác hồ sơ bệnh án của chính người bệnh trong quá trình điều trị; có ý kiến cho rằng quy định người bệnh chỉ được nhận bản tóm tắt trong khi một số chủ thể khác lại được quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án là chưa phù hợp.
Đồng thời, có ý kiến đề nghị chỉnh theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về y tế, cơ quan tư pháp, luật sư của người bệnh có quyền yêu cầu cung cấp bản sao hồ sơ bệnh án khi thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người bệnh được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án và cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm phải giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án đã hoàn thành quá trình điều trị để bảo vệ quyền của người bệnh. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án được thực hiện theo quy định của pháp luật như đã thể hiện tại dự thảo Luật trình thông qua.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh khi xảy ra tai biến y khoa cho người bệnh, tiếp thu ý kiến góp ý, Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi đã quy định trường hợp xảy ra tai biến y khoa cho người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật này (đã thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận, trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh; trường hợp bất khả kháng, trở ngại hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh...).