• :
  • :

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân

Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức và trực tiếp tiếp công dân để xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Tại Điều 18 Luật Tiếp công dân 2013 quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất. Cụ thể: Tiếp công dân định kỳ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân.

Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức và trực tiếp tiếp công dân. Ảnh minh họa: noichinh.vn 

Tuy nhiên, hiện nay, tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu thường xuyên ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân. Việc cấp phó chủ trì tiếp công dân gặp nhiều khó khăn, như không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức; nhiều vụ việc sau khi tiếp công dân, cấp phó chỉ ghi nhận và báo cáo người đứng đầu xem xét, quyết định, dẫn đến hiệu quả buổi tiếp công dân chưa cao. Lý do đưa ra trong các trường hợp ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân là do người đứng đầu nhiều việc, phải chủ trì giải quyết các nhiệm vụ quan trọng khác của cơ quan, đơn vị, địa phương nên không còn thời gian.

Đây là lý do không phù hợp, bởi tiếp công dân phải được xem là nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ quan trọng, phải được xếp ngang hàng với các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhân dân nên trừ các lý do thật chính đáng thì mới ủy quyền cho cấp phó. 

Để gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn thực hiện Luật Tiếp công dân với những nội dung cụ thể, như: Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tiếp công dân định kỳ ít nhất một ngày trong một tháng và không được ủy quyền cho cấp phó. Trường hợp có lý do thật chính đáng thì người đứng đầu có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện nhưng không được ủy quyền quá 1/3 số lần tiếp công dân của người đứng đầu trong một năm.

Việc tiếp công dân không chỉ là lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức; giải thích, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật mà còn giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức... 

Pháp luật về tiếp công dân quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc trực tiếp tiếp công dân. Do đó, người đứng đầu cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức được kịp thời, chính xác, khách quan.

Luật sư ĐỖ VĂN NHÂN (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...