Mùa tựu trường nhân ái
Trước thềm năm học mới, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024.
Theo đó, mức học phí đại học năm học 2023-2024 với các trường công lập chưa tự chủ sẽ không tăng. Sau khi có kết luận trên, các trường đại học đã nhanh chóng thông báo giữ nguyên mức học phí như năm học trước, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều địa phương cũng quyết định hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông. Điển hình như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu... và một số tỉnh, thành phố khác.
Đây là chỉ đạo kịp thời, mang ý nghĩa nhân văn, được xã hội đồng tình, đặc biệt là các bậc phụ huynh và sinh viên, học sinh, bởi điều này sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí đầu năm học cho hàng triệu gia đình có con đang ở độ tuổi đến trường.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Mấy năm nay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tàn phá nền kinh tế, khiến người dân và doanh nghiệp đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn. Dù Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, cải thiện thu nhập của người dân, nhưng tình trạng doanh nghiệp không có đơn hàng, người lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, giảm thu nhập vẫn gia tăng trong phạm vi cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%... Điều này đồng nghĩa với số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động cũng tăng lên tới hơn 1 triệu người và khoảng 940.700 người thiếu việc làm... Những con số ấy chứng tỏ đời sống của người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, tác động trực tiếp tới “con đường đến lớp” của con em họ.
Hiện nay, học phí ở bậc đại học thấp nhất cũng phải tiền triệu mỗi tháng đối với một sinh viên. Trong điều kiện thu nhập của người lao động sụt giảm, thậm chí mất thu nhập thì số tiền này quả là một khoản chi không hề nhỏ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh còn phải chi nhiều khoản khác khi con đến trường, như: Sách giáo khoa, thuê nhà trọ, đồng phục, đồ dùng học tập, ủng hộ quỹ trường, quỹ lớp... Cộng các khoản lại, con số ấy sẽ khiến nhiều gia đình người lao động gặp khó trong cân đối chi tiêu...
Bởi vậy, năm học 2023-2024 không tăng học phí là một niềm vui lớn đối với các bậc phụ huynh. Đây còn là sự thấu hiểu, sẻ chia của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với người lao động, thiết thực góp phần làm vơi bớt khó khăn, giảm nỗi lo của người dân khi năm học mới bắt đầu; đồng thời, chính sách nhân văn này cũng góp phần động viên, khích lệ học sinh, sinh viên yên tâm đến lớp.
Cùng với thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về việc không tăng học phí, tùy điều kiện và khả năng thực tế, mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học... cần có cách hỗ trợ phù hợp với học sinh, sinh viên, thiết thực mang đến cho các em một mùa tựu trường yêu thương, nhân ái.
HOÀNG THÀNH