• :
  • :

Để học sinh lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp

Sau khi chốt danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp 10, hiện đang là thời điểm các trường THPT tổ chức cho học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp các môn học tự chọn.

Năm học 2023-2024 là năm học thứ 2 áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT. Điểm khác biệt so với chương trình hiện hành là ngoài 8 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương và Lịch sử, học sinh sẽ phải lựa chọn 4 trong 9 môn, gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Sinh học; Hóa học; Tin học; Công nghệ; Âm nhạc; Mỹ thuật để học cùng các chuyên đề.

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn 

Về lý thuyết, học sinh được lựa chọn tổ hợp môn học, nhưng thực tế, các trường THPT sẽ xây dựng sớm các tổ hợp môn để học sinh lựa chọn. Các tổ hợp môn được xây dựng dựa trên tình hình thực tế, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của từng nhà trường. Thông thường, sẽ có các tổ hợp thiên về các môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội để học sinh lựa chọn. Sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT có thể nhận thấy, việc lựa chọn tổ hợp môn từ năm lớp 10 rất quan trọng. Nếu lựa chọn đúng những môn học phù hợp, học sinh sẽ có điều kiện phát huy được khả năng, thế mạnh của bản thân. Từ đó, có cơ sở lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Ngược lại, lựa chọn môn học sai, không phù hợp đến mức bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp. Thực tế cho thấy, do thiếu thông tin, chưa cân nhắc kỹ lưỡng, chạy theo tâm lý đám đông, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, đã có không ít học sinh “chọn đại”, “chọn nhầm” tổ hợp môn học, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình học tập và gặp không ít rắc rối, khó khăn khi muốn đổi lại tổ hợp các môn học tự chọn giữa chừng.

Để việc lựa chọn tổ hợp môn học của học sinh lớp 10 năm nay được thuận lợi và điều quan trọng là phù hợp với năng lực, sở trường của từng đối tượng học sinh, các nhà trường cần làm tốt công tác tư vấn, định hướng, không để học sinh lựa chọn tùy hứng, chạy theo tâm lý đám đông. Khi lựa chọn môn học, tổ hợp môn, học sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên kết quả học tập ở bậc THCS. Từ đó, xác định rõ những môn mình có năng lực và yêu thích, đam mê. Các bậc phụ huynh cần đồng hành với con trong việc định hướng, đưa ra quyết định đăng ký tổ hợp môn học dựa trên năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp về sau. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên áp đặt những môn học, ngành nghề cho con mà không xem xét đến năng lực, sở trường cũng như cảm xúc, tâm lý của con. Với những học sinh chọn sai, “chọn nhầm" môn tự chọn ở năm học trước có nguyện vọng thay đổi, các nhà trường cần xem xét những giải pháp phù hợp, hỗ trợ học sinh kịp thời bổ sung kiến thức, kỹ năng, đồng thời kiểm tra, đánh giá khách quan bảo đảm học sinh có đủ năng lực học tập, tiếp thu môn học khi bước vào năm học mới.

BÙI MINH TUẤN

(giáo viên Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)

Tags: tổ hợp