Không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực phát triển nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào khám, chữa bệnh (KCB), đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu đề ra
Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, trong năm 2024, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song ngành y tế Thủ đô đã phấn đấu hoàn thành hiệu quả các chỉ tiêu được thành phố giao. Cụ thể, giảm 0,2% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm 2023 (vượt chỉ tiêu giao giảm 0,1%); chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân là 37,4 giường bệnh/vạn dân (gồm 40,2% số giường bệnh của bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn Hà Nội)-đạt chỉ tiêu; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 16,6 bác sĩ/vạn dân (gồm 40,2% số bác sĩ của bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn thành phố)-đạt chỉ tiêu; tiêu chí quốc gia về y tế xã có 573/579 (98,9%) xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Với những nỗ lực của toàn hệ thống, 6 nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được ngành y tế Hà Nội triển khai thực hiện thành công, góp phần vào thành tựu chung của thành phố trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là: Xây dựng Đề án nâng cao chất lượng KCB của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND TP Hà Nội đến năm 2030 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5369/QĐ-UBND ngày 14-10-2024; tiếp nhận Bệnh viện Nam Thăng Long thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) về Sở Y tế quản lý; hợp nhất 2 bệnh viện mắt thành Bệnh viện Mắt Hà Nội; chuyển giao 30 trung tâm y tế về UBND quận, huyện, thị xã quản lý; hoàn thành công trình dự án và đưa Bệnh viện Nhi Hà Nội vào hoạt động đúng dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô...
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn thành phố. Ảnh: HẢI ANH |
Công tác KCB được tăng cường, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ chuyển tuyến, rà soát, bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên môn để triển khai thêm dịch vụ kỹ thuật, phục vụ nhu cầu người bệnh. Các chuyên khoa đầu ngành phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn; chú trọng chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, đào tạo các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật mới, nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu và KCB tại bệnh viện. Cùng với đó, KCB từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại được đẩy mạnh ở các tuyến. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng đến sự hài lòng người bệnh và nâng cao y đức trong toàn ngành.
Xây dựng cơ sở y tế chất lượng cao, hiện đại
Nhờ được đầu tư trang thiết bị và nhân lực chất lượng, nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu đã được các bệnh viện của Hà Nội thực hiện thành công. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện sức khỏe cộng đồng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành y tế Thủ đô.
Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, thời gian qua, cùng với việc đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, Bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tập trung phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Hiện bệnh viện được đánh giá là một trong hai trung tâm trên thế giới phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ở trẻ. Cuối tháng 8-2024, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trở thành đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội thực hiện lấy và ghép tạng từ người cho chết não để cứu nhiều người mắc bệnh nan y. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận cùng huyết thống. Sau thành công của 3 ca ghép này, Bệnh viện đưa kỹ thuật ghép thận vào triển khai thường quy.
Thêm một bước tiến của ngành y tế Thủ đô trong thời gian qua là việc Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) trao chứng nhận vàng về điều trị suy tim. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong 3 năm (từ 2020 đến 2023) triển khai khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), các chuyên gia của bệnh viện đã hội chẩn từ xa, chia sẻ kinh nghiệm tới 10 bệnh viện tuyến tỉnh, 37 bệnh viện tuyến huyện, 30 trung tâm y tế để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho những ca lâm sàng khó, phức tạp, qua đó đã cứu sống được nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh ngay tại tuyến dưới.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội, ngành y tế Thủ đô phải ngày càng phát triển không ngừng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới. Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Vì vậy, công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy gắn với đề án vị trí việc làm được tập trung cao, quyết liệt hoàn thiện trong toàn ngành. Năm 2025, ngành y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, KCB, hoàn thành triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử. Đồng thời, mở rộng triển khai bệnh án điện tử để người dân được thụ hưởng các tiện ích trong KCB và chăm sóc sức khỏe toàn diện; công khai, minh bạch các dịch vụ để người dân yên tâm chữa bệnh, nâng cao chất lượng KCB, tăng kỹ năng giao tiếp, ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
DIỆP CHÂU