• :
  • :

Không chủ quan với cúm gia cầm

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh” do Bộ Y tế tổ chức ngày 10-4, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù cúm A/H9N2 độc lực thấp, nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm sang người không cao nhưng người dân không nên chủ quan trong việc phòng bệnh cúm gia cầm.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, thời gian qua, các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, tại nước ta, một số bệnh ghi nhận rải rác các trường hợp mắc. Bệnh sởi ghi nhận tại Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa...; bệnh ho gà ghi nhận tại Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Tại hội nghị, các chuyên gia dịch tễ nhận định, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường; nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, chim và động vật hoang dã di cư theo biến đổi thời tiết là những điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn.

Buôn bán gia cầm tại chợ Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội)

Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 tại tỉnh Tiền Giang. Theo TS Hoàng Minh Đức, sau 4 năm kể từ năm 2020, nước ta lại xuất hiện 1 ca nhiễm cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 và 1 ca cúm gia cầm độc lực thấp A/H9N2. Mặc dù độc lực của cúm A/H9N2 rất thấp nhưng do bệnh nhân tại Tiền Giang mắc cúm gia cầm trên nền bệnh xơ gan và tiểu đường nên triệu chứng có nặng hơn. Hiện bệnh nhân này đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh).

TS Hoàng Minh Đức cũng thông tin thêm, thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) luôn có sự phối hợp rất chặt chẽ trong phát hiện, xử lý dịch bệnh trên người, tích cực khoanh vùng, xét nghiệm, xử lý môi trường, triển khai sớm tiêm vaccine cho gia cầm...

Có thể nói, công tác giám sát, phát hiện sớm dịch của chúng ta hiện đang triển khai rất tốt nên nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm là rất thấp. Ngoài ra, về biến đổi gen, thay đổi độc lực của cúm, vẫn chưa có cảnh báo nào từ WHO nên chúng ta không hoang mang nhưng cũng không được chủ quan trong phòng, chống cúm gia cầm. Cúm A/H9N2 độc lực thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt, nhưng con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A/H9N2 nếu tiếp xúc, sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

Trên thực tế, nhiều người dân và những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm chủ quan cho rằng gia cầm khỏe mạnh nên không áp dụng các biện pháp dự phòng thường quy như đeo khẩu trang, đeo găng tay, rửa tay... khi tiếp xúc gần, từ đó làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Bởi vậy, người dân và các đơn vị cần tiếp tục nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Bài và ảnh: NHƯ QUỲNH

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...