Hỏi - đáp pháp luật: Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình được pháp luật quy định như thế nào?
* Bạn đọc Trần Thị Thúy ở phường Kim Tân, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 162 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
*Bạn đọc Lê Văn Vĩnh ở xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:
1. Cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình khi nhận tin báo, tố giác thì trong phạm vi quyền hạn của mình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời, thông báo cho chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 19 của luật này khi nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
3. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều này.
Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì chủ tịch UBND cấp xã phân công công an xã, phường, thị trấn xử lý.
4. Trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm thì việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.