Học viện Viettel với triết lý “học kịp thời, học suốt đời”
Sự phát triển nhanh chóng, trải rộng nhiều lĩnh vực của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) trên toàn cầu mở ra nhiều cơ hội, đồng thời là thách thức lớn đối với Học viện Viettel trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Trên nền tảng những giá trị cốt lõi Viettel, Học viện đã có nhiều giải pháp đột phá, tiên phong đổi mới phương thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại chuyển đổi số.
Trang bị kiến thức liên ngành
Làm thế nào để “dân kỹ thuật” đang chỉ đạo “lắp đặt nhà trạm, trồng cột, kéo cáp” nhanh chóng có hiểu biết cơ bản về quản trị kinh doanh, chăm sóc khách hàng? Làm thế nào để “dân kinh doanh” có hiểu biết về công nghệ, kỹ thuật để điều hành chi nhánh sản xuất, kinh doanh?
Đây chỉ là hai trong rất nhiều vấn đề đặt ra từ khi Viettel đẩy nhanh xây dựng hạ tầng mạng lưới, tăng tốc bùng nổ viễn thông, trong chiến lược “Tràn ngập lãnh thổ”, “Mỗi xã, phường có một trạm BTS” và “Đầu tư ra nước ngoài”. Trước yêu cầu đó, ngày 27-3-2006, Trung tâm Đào tạo Viettel (nay là Học viện Viettel) được thành lập, trực thuộc Tổng công ty (nay là Tập đoàn), trên cơ sở Ban Đào tạo, Phòng Kỹ thuật.
Lãnh đạo Học viện Viettel thuyết trình về ứng dụng By Day Learning |
Để hiện thực hóa thông điệp “Viettel-nơi khát vọng không bao giờ dừng lại”, theo quy định, tất cả cán bộ, nhân viên Viettel ở các cơ quan, đơn vị đều phải học tập, có hiểu biết nhất định theo hướng liên ngành để giải quyết hiệu quả công việc. Học viện đã tổ chức các lớp học về kỹ thuật, công nghệ, kinh doanh, bán hàng, chăm sóc khách hàng... từ vài ngày cho đến vài tháng.
Dù đã nhiều lần tham dự các lớp học, nhưng khi vừa nhận nhiệm vụ Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đầu tư và Quản lý tài sản, Tổng công ty Viễn thông Viettel, anh Trần Minh Đức đã được tham gia khóa học “Cán bộ lần đầu làm quản lý”. Anh Đức cho biết: “Tôi rất tâm đắc với nội dung học tập liên quan đến kỹ năng xây dựng kế hoạch; giao việc, giám sát, điều hành, đánh giá; xây dựng và quản lý các mối quan hệ; kỹ năng gắn kết, tạo động lực cho nhân viên cũng như văn hóa, "binh pháp" Viettel... Những kiến thức này giúp chúng tôi có tư duy hệ thống, cách nhìn đa chiều để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Từ đó xác định rõ mục tiêu, vấn đề của tổ chức, của từng người để có giải pháp, phương thức, cách làm việc khoa học, hiệu quả”.
Bên cạnh mời các chuyên gia đầu ngành và giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân... đến chia sẻ, giảng dạy tại các khóa học, một trong những cách làm khác biệt ở Học viện Viettel là đội ngũ giảng viên nội bộ-gần 300 giảng viên là lãnh đạo Tập đoàn và các cơ quan, đơn vị, chuyên gia Viettel tham gia đào tạo. Đây chính là “quy tắc 40-30-30” nổi tiếng của Viettel: Làm tốt việc mới đạt 40%; nói được tại sao làm như vậy đạt 30% tiếp theo; viết thành tài liệu, đào tạo, dạy lại được cho người khác mới hoàn thành 30% còn lại.
Chỉ tính trong năm 2022, Học viện đã dẫn dắt chương trình “Lan tỏa tri thức Viettel” tổ chức gần 250 buổi chia sẻ tri thức trong nội bộ Tập đoàn, thu hút hơn 3 vạn lượt người tham gia, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2021. Học viện tổ chức 75 khóa học đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên Viettel trên toàn cầu.
Hỗ trợ nhu cầu "học kịp thời, học suốt đời"
Với chiến lược phát triển nhanh và bền vững của Tập đoàn thì không thể đào tạo liên tục từ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Những năm qua, Học viện Viettel đã tiên phong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kết hợp đào tạo tập trung và trực tuyến, cầu truyền hình, kiểm tra qua e-learning (hệ thống đào tạo trực tuyến). Mỗi cán bộ, nhân viên có tài khoản e-learning riêng, có thể tự học và kiểm tra đánh giá. Phương thức này giúp giải quyết được đào tạo số đông, phân tán cho hàng chục nghìn người Viettel trên toàn cầu.
Ý thức chuyển đổi số đào tạo là xu hướng tất yếu trong thời đại ngày nay, Học viện Viettel đã chú trọng chuyển đổi số trong các hoạt động học tập, đào tạo. Chị Doãn Thị Thanh Loan, Phòng Quản lý bán hàng, Viettel Hà Nội, đang học lớp “Số hóa bài học” nâng cao, cho biết: “Trước kia, nhân viên bán hàng được đưa một tập tài liệu về sản phẩm của Viettel để tìm hiểu rồi đi giới thiệu cho khách hàng. Giờ đây, những nội dung này được tóm tắt thành video ngắn, có sử dụng trí tuệ nhân tạo, giúp tiết kiệm thời gian hiểu về sản phẩm, thậm chí có thể gửi video trực tiếp cho khách hàng khi được yêu cầu”.
Không chỉ đào tạo nội bộ, Học viện Viettel còn đào tạo tri thức chuyển đổi số cho các đối tác, khách hàng. Học viện đưa ra nhiều công cụ chuyển đổi số như: Kế hoạch học tập cá nhân (ILP); công cụ quản lý áp dụng sau đào tạo (ATM)... Bước đột phá là phát triển ứng dụng By Day Learning (BDL)-“phương thức duy trì học tập hằng ngày” trên điện thoại di động, internet. Qua gần hai năm triển khai thực tiễn, BDL đã thu hút hơn 50.000 cán bộ, công nhân viên Viettel và một số đơn vị đối tác, khách hàng học tập, với hơn 9 triệu lượt học.
Thượng tá, TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, cho biết: “Điểm ưu việt là những bài học trên ứng dụng BDL đều được thiết kế ngắn gọn (dưới 10 phút) theo cấu trúc nhất định (giới thiệu-nội dung chính-đúc rút kiến thức cốt lõi-câu hỏi kiểm tra ngắn), nội dung biên soạn được số hóa theo các định dạng phong phú thành bài học là video clip, audio, hoạt hình... Nội dung, hình thức và cách truyền tải tri thức này phù hợp với đặc điểm của người đi làm, tham gia học tập, bám sát triết lý “học kịp thời, học suốt đời”.
Nhiều tổ chức, cá nhân tìm hiểu cách thức tổ chức, phương pháp học tập mà Học viện Viettel triển khai đã đánh giá cao nỗ lực tìm tòi, tiên phong đổi mới. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết: “Xã hội học tập có nghĩa là mọi người phải học, học không ngừng, học suốt đời. Cho nên, Học viện Viettel đưa ra quan điểm “học kịp thời”, “học hằng ngày”, tôi cho là rất đúng, rất trúng. Đặc biệt, BDL có thể xem là một phương pháp giúp người học tiếp thu nhanh, kịp thời ứng dụng vào công việc, phù hợp với tư duy chuyển đổi số”.
Từ nay đến năm 2025, Học viện Viettel xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Thực hiện tốt chiến lược đào tạo theo 4 trụ đào tạo của Tập đoàn (Năng lực cán bộ quản lý-Năng lực lõi, văn hóa, “binh pháp” Viettel-Chuyển dịch chiến lược-Chuyên môn, nghiệp vụ); tổ chức đào tạo cho đối tác, khách hàng của Viettel; hợp tác đào tạo cấp chứng chỉ; phối hợp đào tạo nâng cao kỹ năng nghề. Với chiến lược đã được xác định, Học viện Viettel hứa hẹn tiếp tục thực hiện tốt vai trò đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cho tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu; lan tỏa tri thức trong cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG