Góc nhìn giáo dục: Bài học hướng nghiệp
Vừa qua, một tài khoản TikTok thu hút hơn 2,9 triệu lượt xem với video có nội dung “3 ngành học vô dụng”; một TikToker khác mệnh danh là “kẻ hủy diệt giấc mơ” bởi phần lớn nội dung đều hướng tới thông điệp hạ thấp giá trị bằng đại học, đã làm “dậy sóng” dư luận. Những clip này thu về lượt xem “khủng”, khiến nhiều người làm nội dung khác bắt chước và tiếp tục lan truyền các thông tin không có sự kiểm chứng.
Thời điểm này, học sinh cuối cấp trung học phổ thông đang ráo riết thu thập thông tin về các ngành học để lựa chọn cho mình một nghề nghiệp trong tương lai. Việc hàng nghìn video “tư vấn hướng nghiệp” kiểu này ra đời khiến không ít học sinh hoang mang.
Trước mối nguy đó, các chuyên gia đều khẳng định không phải ai cũng có thể tư vấn hướng nghiệp. Hướng nghiệp không phải là định hướng cho học sinh vào ngành này hay ngành kia mà giúp học sinh hiểu mình, hiểu ngành nghề và tự quyết định hướng đi trong tương lai. Ngoài kiến thức căn bản về hướng nghiệp và các kỹ năng liên quan, người làm hướng nghiệp cần tuân thủ 6 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp gồm: Tự chủ, vô hại, sinh lợi, khách quan, trách nhiệm và chân thật.
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp 2023. Ảnh minh họa: TTXVN |
Việc tìm cách giải thích, kêu gọi các em cần tỉnh táo trước những thông tin sai lệch là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì phê phán “chợ” tư vấn hướng nghiệp trên TikTok, chúng ta nên nhìn nhận công tác hướng nghiệp còn nhiều thiếu sót. Gần đây, các hoạt động tư vấn hướng nghiệp diễn ra rầm rộ khắp nơi trong cả nước, nhưng đối tượng hướng tới chủ yếu là học sinh lớp 12. Việc làm này mới giải quyết phần ngọn bởi thời gian hướng nghiệp quá ngắn, không đủ cho các em nghiên cứu về ngành nghề cụ thể. Ở nhiều quốc gia, công tác này đã bắt đầu từ những năm trung học cơ sở. Việc tiếp cận ngành nghề sớm có thể giúp gia đình và các em khai thác khả năng bản thân, chuẩn bị năng lực học tập từ sớm.
Ngoài ra, hoạt động tư vấn cần có sự phối hợp giữa học sinh, phụ huynh, trường trung học phổ thông, trường đại học, cao đẳng và thậm chí cả doanh nghiệp. Trên thế mạnh của mình, mỗi bên cung cấp thông tin sâu về những ngành nghề mà các em muốn tìm hiểu. Sở dĩ một số video hướng nghiệp trên TikTok dù không đầu tư bài bản, cung cấp kiến thức sai lệch về nghề nghiệp nhưng vẫn thu hút thí sinh, với hàng trăm nghìn lượt xem và tương tác là bởi nó nắm bắt đúng xu hướng tiếp cận của giới trẻ. Vì vậy, thay vì tổ chức nhiều sự kiện tư vấn hàng nghìn người tốn kém cả về chi phí và thời gian, các nhà tổ chức có thể linh hoạt tạo ra thêm những sản phẩm chất lượng trên mạng xã hội để cung cấp thông tin cho các em.
Sự việc này cũng khiến chúng ta suy nghĩ về khoảng trống dự báo nhu cầu nhân lực, một cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác phân luồng, hướng nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp tương lai đối với học sinh cuối cấp phổ thông. Tại nhiều sự kiện tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp lớn, không ít thí sinh vẫn đưa ra câu hỏi “học ngành này sau này ra trường làm công việc gì?”, “ngành nào tương lai cần?”, “ngành này hiện nay cần nhưng sau 4 năm học sẽ trở nên bão hòa?”... Từ đó mới thấy công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh còn chưa thỏa đáng, chưa thực sự cá nhân hóa thông tin. Điều đó buộc các em phải đi tìm những “lời khuyên” linh tinh trên mạng. Càng sa vào mạng xã hội thì giới trẻ càng bị hoang mang lệch hướng, chạy theo trào lưu nhất thời.
Việc tìm kiếm một môi trường học tập tốt, xác định được bản thân muốn gì, phù hợp với nhu cầu của xã hội và lựa chọn được ngành học phù hợp chính là bài học quan trọng đầu tiên trước khi các em bước vào đường đời. Bài học đó không phải chỉ có mình các em là làm được.
THÁI AN