Học sinh vùng núi Lạng Sơn hào hứng với cuộc đua robot
Từ Hà Nội, đường đi không quá khó khăn nhưng cũng phải mất một buổi rất tranh thủ chúng tôi mới đến được huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Bù lại chúng tôi được xem những trận đấu trí vui vẻ, gặp gỡ những học sinh, giáo viên tràn đầy tinh thần học hỏi.
Những trận chiến robot
Trường THCS Tô Hiệu là địa điểm dừng chân của chúng tôi tại Bình Gia, cách trung tâm TP Lạng Sơn khoảng 75km. Hôm ấy, tại đây diễn ra chương trình hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục STEM (viết tắt của các từ: Science-khoa học, Technology-công nghệ, Engineering-kỹ thuật, Mathematics-toán học) cấp huyện năm học 2022-2023. Trong hội thảo, phần được học sinh, giáo viên hào hứng nhất là những cuộc thi robot của học sinh trong huyện.
Huyện Bình Gia hiện có 4 trường THCS có câu lạc bộ STEM và robot là nội dung được quan tâm nhất của giáo dục STEM ở đây. Hội trường Trường THCS Tô Hiệu đông kín học sinh, giáo viên. Có 4 nhóm học sinh được chú ý hơn cả. Đó là các đội thi robot của các Trường THCS Tô Hiệu, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Phong và Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Thái. Hai Trường THCS Tô Hiệu và THCS Hoàng Văn Thụ thi robot thật và hai trường còn lại thi lập trình robot ảo.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Thái bên chiếc máy tính để lập trình robot ảo. |
Cuộc thi lập trình và điều khiển robot ảo kéo dài hơn 30 phút. Các đội có nhiệm vụ lập trình cho robot ảo di chuyển và đưa các vật phẩm về ô có màu tương ứng. Hai chiếc bàn ở hai bên hội trường. Mỗi bàn là hai học sinh sử dụng máy tính kết nối với màn hình rộng cho cả hội trường cùng quan sát. Vui với kết quả mà các học trò của mình đạt được, thầy Vũ Văn Thính, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Thái chia sẻ: “Vì là trường bán trú, ăn nghỉ tại chỗ nên chúng tôi dễ chọn được những học sinh có niềm đam mê. Hơn nữa, thời gian ở trường của các em nhiều nên robot là sân chơi được nhiều em yêu thích. Chúng tôi cũng coi đây là một trong những nhiệm vụ trong học tập giờ ngoại khóa và các tiết tin học. Các em đã rất nỗ lực để làm tốt phần thi robot hôm nay”.
Khác với cuộc thi robot ảo, cuộc thi robot thật của hai đội Trường THCS Tô Hiệu và THCS Hoàng Văn Thụ gần như bất phân thắng bại cho đến phút cuối. Mỗi đội cử một người lên điều khiển robot giáo dục KCBOT của Việt Nam. Hai robot KCBOT lần lượt chinh phục các địa danh nổi tiếng của huyện Bình Gia được thể hiện trên sơ đồ thi đấu, như: Hang Thẩm Khuyên, thác Đăng Mò, núi Nàng Tiên...
Vùng đất nghèo hiếu học
Được tận mắt chứng kiến những “trận chiến” robot của học sinh Bình Gia, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi những cuộc chơi như thế không dễ tìm được, ngay cả với học sinh ở nhiều trường học của các thành phố lớn. Ông Lèo Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: “Bình Gia là huyện nghèo vùng cao miền núi với đa số người dân là đồng bào dân tộc ít người Tày, Nùng, Dao... Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng giáo dục STEM nói chung, robot nói riêng sẽ giúp ngành giáo dục Bình Gia “đi tắt, đón đầu” để nâng cao trình độ, năng lực cho học sinh”.
Có thể khẳng định, hướng đi này của ngành giáo dục Bình Gia đang dần thể hiện tính đúng đắn khi những buổi học STEM luôn hấp dẫn học sinh. Cô Hoàng Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu kể lại: "Khi được học robot, em nào cũng thích. Đặc biệt với các con robot thật, để chuẩn bị cho cuộc thi, lúc đầu thầy trò còn tìm hiểu ở trường và mải mê đến tận tối. Sau thầy cô linh động cho phép mang robot về nhà thì các em đã thức đến 2 giờ sáng để mày mò. Nhiều lúc chính giáo viên còn thấy khó, vậy mà không ngờ khi thầy trò cùng nghiên cứu, tìm hiểu, những trở ngại đều đã vượt qua được”.
Ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ cũng vậy, cô giáo Lê Thị Thu Hoài, giáo viên môn Vật lý và cũng là hướng dẫn cho câu lạc bộ STEM của trường cho biết: “Học robot, cả thầy và trò đều muốn tìm hiểu nên rất ham. Học robot ảo chủ yếu liên quan đến câu lệnh nhưng học robot thật đòi hỏi học sinh sự đam mê tìm hiểu, lắp ráp, thử nghiệm rồi lại điều khiển... Nhiều khi robot không hoạt động theo ý mình, cô trò lại phải tháo ra, lắp vào, thử nghiệm rất nhiều lần”. Em Vi Văn Thảo (lớp 9C, Trường THCS Tô Hiệu) vẫn muốn có thêm thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về robot. “Chỉ tiếc là sắp tới chúng em phải trải qua kỳ thi vào lớp 10. Sau cuộc thi này, em sẽ cố gắng học tốt, thi tốt và nhất định sẽ dành thời gian nhiều hơn cho robot và STEM”, Vi Văn Thảo chia sẻ.
Cho rằng kiến thức về STEM của mình và các thầy cô giáo của huyện Bình Gia còn ít, nhưng cô Hà Thị Thùy Dương, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Gia, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: “Dù ít nhưng tôi không tự ti vì rất may chúng tôi có sự đồng hành và hỗ trợ chuyên môn nhiệt tình từ các nhà khoa học của Liên minh STEM. Chúng tôi tự tin trong thời gian tới, STEM ở huyện Bình Gia chắc chắn còn được nâng cao hơn nữa về chất lượng và phủ rộng hơn nữa đến tất cả nhà trường. Điều quan trọng hơn là giúp học sinh tiếp cận phương pháp dạy học mới, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em”.
Bài và ảnh: TÙNG PHƯƠNG