• :
  • :

Học sinh giỏi hơn mình nghĩ nhiều

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) đã khẳng định như vậy với chúng tôi khi bàn về những trải nghiệm trong quá trình dạy học sinh của mình.

Hôm đó, trong một tiết toán, cô viết ½ lên bảng và đố học sinh cách đọc. Nhiều học sinh không biết nhưng cũng có những cánh tay giơ lên xin đọc: “Thưa cô, 1 gạch 2 ạ”, “Thưa cô, 1 trên 2 ạ”, “Thưa cô, 1 phần 2 ạ”. “À, chúng ta đọc là một phần hai nhé các em. Vậy ½ nghĩa là gì, có em nào biết không?”. Sau một hồi suy nghĩ, có em đọc đúng là phép chia. “Tại sao con biết đây là phép chia?”, cô Hạnh lại hỏi tiếp. “Thưa cô, em nghe trên ti vi ạ”...

Đó là một buổi dạy cô Hạnh thử nghiệm với học sinh của mình. Sau tiết học, cô nhận thấy cách dạy này tuy hơi mất thời gian nhưng bù lại, học sinh nhớ lâu và vận dụng tốt kiến thức hơn. Đặc biệt, qua tiết học, cô cũng nhận ra tiềm năng từ học sinh của mình hơn. Chỉ cần biết cách dẫn dắt, học sinh sẽ phát huy tốt những gì đã biết. Từ bài học đó, cô mạnh dạn suy nghĩ cách để dạy tốt hơn, tăng cường năng lực cho học sinh nhiều hơn và ở quy mô rộng hơn. Cô đưa ra dự án dùng đá, sỏi, những thứ sẵn có ở vùng núi cao vào trường học thông qua mỹ thuật. Thế nhưng, dự án đó vấp phải sự phản đối đầu tiên của giáo viên. Trường không có giáo viên mỹ thuật, học sinh thì học còn nhiều vất vả, vậy phải làm thế nào? Cô thuyết phục họ cứ thử làm, trước tiên vì học sinh. Nếu không thử thì không thể biết năng lực của mình đến đâu. Các thầy cô bắt tay vào làm và hướng dẫn học sinh. Họ lên mạng tìm hướng dẫn cách làm. Không ngờ càng làm càng vui, tác phẩm của họ cũng ngày một đẹp lên. Cả học sinh và giáo viên đều thích thú với những sản phẩm được làm ra.

Học sinh Hà Nội. Ảnh: VnExpress.  

Khi đã có thành công bước đầu, cô Hạnh lại đề nghị giáo viên thử tìm cách làm những sản phẩm lớn hơn. Điều này không dễ vì không có thầy cô dạy mỹ thuật, họ không thể định hình trước bố cục của tranh. Nhưng bài toán này cũng được giải quyết dễ dàng hơn khi có người nghĩ ra cách sử dụng máy chiếu dạy học để phóng to những bức tranh kích cỡ nhỏ. Từ cách làm thông minh này, thầy cô và học sinh mạnh dạn đưa đá lên những bức tường của trường học. Tác phẩm dần thành hình cũng là lúc họ thu hút sự chú ý của phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh đến đón con học cũng xin vào làm cùng. Những bức tường bằng đá sỏi rực rỡ sắc màu giờ đây không chỉ có tác dụng trang trí, làm đẹp cho trường mà còn là niềm tự hào chung của thầy cô, học sinh và cả phụ huynh.

“Học sinh tiểu học thì sao làm được những việc này?”. Chúng tôi nêu thắc mắc của mình với cô hiệu trưởng và được giải thích cách làm tường tận hơn. Đúng vậy, nhìn có vẻ rất phức tạp nhưng khi biết cách làm thì đơn giản hơn nhiều. Những khối đá sỏi được phân loại. Những phần khó, uốn lượn sẽ do thầy cô và các em học sinh lớn, khéo tay đảm nhiệm. Những phần rộng được chia cho học sinh nhỏ hơn nên em nào cũng có thể làm được. “Việc hoàn thành những tác phẩm này một lần nữa càng minh chứng cho nhận định rằng: Chưa thể biết hết tiềm năng của học sinh và giáo viên nếu không bắt tay vào công việc”, cô Hạnh nhìn nhận.

HIỀN VINH

Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...